Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ không thoái trách nhiệm, nhưng vai trò của địa phương vẫn là chủ yếu
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong phiên trả lời chất vấn các ĐBQH chiều nay 7/6 khi nói về đưa sản phẩm nông nghiệp tiếp cận ra thị trường.
Phải tập trung chất lượng, thương hiệu
Trả lời câu hỏi của các đại biểu làm thế nào để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển, đưa mặt hàng nông sản chủ lực phát triển kinh tế, làm giàu cho nông dân?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cũng như cách tiếp cận thị trưởng thế giới. Theo đó, sẽ phải chuẩn hóa lại ngành hàng sản xuất, xuất khẩu và thay đổi thông tin về chất lượng an toàn thực phẩm, thương hiệu nông sản để tiếp cận thị trưởng thế giới. Xây dựng thương hiệu nông sản phải bắt đầu từ hệ sinh thái của ngành hàng. Đây là vấn đề được đặt ra và tiến hành trong lâu dài chứ thể ngày một ngày hai, Bộ trưởng cho hay.
Nhắc lại câu “được mùa mất giá”, mà đại biểu đề cập đến, Bộ trưởng cho hay, quy luật cung cầu là những vấn đề sẽ phải nhận biết. Bộ NN&PTNT chưa nhận diện rõ ngành hàng, không đồng nhất nguyên liệu dẫn đến việc không xây dựng được thương hiệu dẫn đến tình trạng trên. Hiện Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ sớm hoàn thiện các vấn đề liên quan. Việc trồng Thanh Long và rớt giá như thời gian qua, sản xuất quy mô chủ yếu tự phát, các HTX nhỏ lẻ hoặc do nông dân trồng và cạnh tranh với nhau, chưa có kế hoạch cho đầu ra nông sản ổn định nên dẫn đến tình trạng như vậy.
ĐB Dương Văn Phước – Quảng Nam và một số đại biểu khác đặt câu hỏi, nông nghiệp Việt Nam đang nằm ở giai đoạn nào và giải pháp phát triển ra sao và đề nghị Bộ trưởng trả lời?
Bộ trưởng cho biết, nếu như đi vào các siêu thị ở Mỹ hoặc các nước thấy rằng sản phẩm nông sản của Việt Nam ít có mặt ở đó, rõ ràng sản phẩm chưa có thương hiệu, lý do chúng ta chưa chuẩn hóa ngành hàng, chưa tạo được thương hiệu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng trần tinh rằng, nói không phải là thoái thác trách nhiệm nhưng sẽ gắng hết mình thực hiện nhiệm vụ được giao để đưa ngành nông nghiệp tiến xa hơn. Thực tế, nếu chính quyền địa phương vào cuộc chắc chắn sẽ có chuyển biến mạnh mẽ. Dẫn ra việc nông sản Hải Dương, Bắc Giang, các lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp dẫn dắt, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường... để đưa nông sản của địa phương tiếp cận thị trường thế giới và đã thành công. Ông Tin rằng nếu các địa phương làm được như thế thì nông nghiệp sẽ có thay đổi tích cực.
Nguyên nhân suy thoái đất, bạc màu
ĐB Nguyễn Hữu Thái ( Bạc Liêu) nêu vấn đề giá vật tư nôn nghiệp phân bón tăng cao. Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT khuyến cáo bà con sử dụng phân bón hữu cơ, thay vì phân bón vô cơ, hóa học, tuy nhiên với thói quen hình thành tập quán canh tác mà từ lâu khu vực phía Nam gần như không sử dụng. Vậy giải pháp ra sao?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: có một câu nói mà người dân hay ví đó là “đất vì phân vô cơ, như người vì thuốc phiện" để nói lên rằng nhận thức của bà con trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long về sử dụng loại phân bón trong trồng trọt ăn sâu như đã thành tập quán, thay đổi không dễ dàng.
Nhận diện được thực trạng đó, Bộ NN&PT NT đã nhiều lần tổ chức hội thảo, diễn đàn bàn về phân bón và thuốc BVTV để bà con có sự thay đổi nhận thức về những tác hại đối với chất lượng sản phẩm mà họ làm ra. Bộ trưởng cũng khẳng định đây là vấn đề bắt buộc phải thay đổi trong tương lai nếu không muốn có rủi ro.
Giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đối với vấn đề tập trung đất đai để phát triển nền sản xuất nông nghiệp lớn, hiện nay các mô hình tập trung về đất đai hết sức thành công trong cả nước thông qua việc dồn điền đổi thửa, thông qua hình thức các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê, còn phần chuyển mục đích sử dụng cũng có nhưng không nhiều và đặc biệt hiện nay nhiều hộ dân đình đã nâng mức độ sử dụng đất và sử dụng liên doanh, liên kết đạt kết quả tốt.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình thêm một số vấn đề liên quan.
Về tình trạng suy thoái đất, Bộ trưởng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này đó là chúng ta đã lựa chọn mô hình canh tác không đúng, thâm canh, quảng canh, dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học. Một vấn đề khách quan khiến đất bị suy thoái là biến đổi khí hậu, khiến xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt… gia tăng.
Đối với vấn đề này chúng ta cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài học thành công, đó là Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta phải chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ khâu thiết kế quy hoạch và bố trí cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiêu dùng và xử lý môi trường phải đi với nhau thành một vòng khép kín. Bởi vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên. Chúng ta cần thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và cơ cấu kinh tế, trong đó khoa học công nghệ là yếu tố quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh.