Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Con gái xứ Đông bán vải vườn nhà ra sàn quốc tế
Nửa tấn vải u trứng trắng đã được bán chỉ sau 4 giờ của ngày đầu tiên cho thấy hiệu quả lớn trong chương trình đưa quả Hải Dương lên sàn thương mại điện tử.
Vải vườn nhà bán ra quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá cao Hải Dương đã vượt qua chính mình trong đại dịch Covid-19 bằng tư duy mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Dẫn 2 câu thơ “Vải em là vải vườn nhà/Em là con gái Thanh Hà xứ Đông”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Dù vậy, thời gian qua, những biến động của thị trường và tình hình phức tạp của dịch Covid-19 làm đứt chuỗi cung cầu, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Song, Hải Dương đã biến khó khăn thành lợi thế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi trước nhiều biến cố.
Thời gian tới, Bộ trưởng NN-PTNT đề nghị Hải Dương định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Tỉnh cần có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, quan tâm việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh.
Hải Dương cũng cần quan tâm tới khâu chế biến nhằm tránh rủi ro mùa vụ, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Với những lợi thế về phát triển cây ăn quả, Hải Dương nghiên cứu quy hoạch cùng du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị của ngành.
"Bộ NN-PTNT cũng có chương trình hành động, cùng với tỉnh Hải Dương, đưa Thanh Hà trở thành vùng trọng điểm về trái vải, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái", vị tư lệnh ngành nhấn mạnh.
Năm 2021, dự kiến tổng sản lượng vải thiều của Hải Dương tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn, xuất khẩu khoảng 22.000 tấn; tỷ lệ xuất khẩu vải năm 2021 tăng khoảng 5% so với năm trước. Sáng 18/5, tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ mở vườn đưa vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Singapore,...
Thời điểm này, nông dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải sớm. Hiện, giá vải tại vườn được doanh nghiệp thu mua với giá 60.000-80.000 đồng/kg.
Đưa vải lên sàn
Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Sở NN-PTNT Hải Dương và nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt Nam vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác “Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử”.
Đây là một hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về Xúc tiến Thương mại nhằm đưa giống vải thiều u trứng trắng thượng hạng cùng nhiều đặc sản của tỉnh Hải Dương đến với người tiêu dùng trên khắp cả nước một cách thuận tiện và nhanh chóng. Bên cạnh đó, hợp tác chiến lược này cũng góp phần hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và đặc sản Việt Nam trên khắp các tỉnh thành.
Ông James Dong - Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết, thành công bước đầu là Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về Xúc tiến Thương mại đã bán ra gần nửa tấn vải u trứng trắng, chỉ sau 4 giờ của ngày đầu tiên mở bán đầu tiên.
Toàn bộ số vải này được áp dụng hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng. Đặc biệt, có những đơn hàng được giao trong chưa đến một giờ đồng hồ.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, đơn vị chuyên thu mua cung cấp vải thiều cho các sàn thương mại điện tử, đánh giá, sau vài ngày đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử, phản hồi của khách hàng rất tốt. Công ty dự kiến sẽ thu mua khoảng 300 tấn vải thiều Thanh Hà phục vụ xuất khẩu và bán trên các sàn thương mại điện tử.
Cùng với vải thiều Thanh Hà, Cục Xúc tiến Thương mại và Lazada cũng như các đối tác khác sẽ tiếp tục phối hợp để đưa nhiều đặc sản của Hải Dương lên sàn. Có thể kể đến như bánh đậu xanh Rồng Vàng và tỏi đen - những sản vật làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của Hải Dương.
Thông qua đó, góp phần mở thêm một đầu ra bền vững mới cho các tỉnh thành, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, đồng thời cổ vũ tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tính riêng trong hai làn sóng đầu của dịch Covid-19 tại Việt Nam, đơn vị này đã hỗ trợ hơn 110.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số thành công và tiên phong ra mắt ngành hàng Thực phẩm tươi sống nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mở ra một nguồn thu mới cho nông dân Việt Nam và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp.