Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ 'giải cứu' nông sản nữa, đây là vấn đề của thị trường
Chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chịu trách nhiệm chính trong việc trả lời chất vấn các đại biểu.
Không nên dùng từ "giải cứu" nông sản nữa
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho biết, nông sản rớt giá khi thu hoạch, thanh long, khoai lang rớt giá thê thảm,.. là một điển hình ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải cứu nông sản cho đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời về giải pháp giải quyết tình trạng được mùa mất giá, vấn đề cung cầu trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nên tư duy lại vấn đề này, theo đó, không nên dùng từ “giải cứu” nông sản nữa mà đây là vấn đề của thị trường.
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay có đến 80% các sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài chưa có thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu thô…
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân, giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, từ đó xác lập thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động trong thời gian tới?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Có được kết quả này là quá trình của các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu giống như ngành hàng cà phê, ngành hàng gạo bắt đầu cũng đã chuyển biến.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục để phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực, trong đó có sầu riêng. Một khi có được thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn lên rất nhiều.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần phân biệt giữa nhãn hiệu với thương hiệu. Nhãn hiệu chỉ cần đăng kí là xong. Nhưng đối với thương hiệu phải là những gì in vào tâm trí của người tiêu dùng bao gồm nhãn hiệu và những cảm xúc vô hình như khi nói đến thương hiệu xe Toyota thì sẽ nghĩ ngay đến chất lượng xe, độ bền của xe.
Có thể chuyển đổi nghề khai thác hải sản sang làm du lịch biển
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết rõ những chính sách sẽ được áp dụng trong hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã có Quyết định 288 và kế hoạch hoạt động về chuyển đổi nghề, tuy nhiên vẫn có khuyết điểm là hơi chậm, chính sách chưa rõ ràng, chưa tạo thành cú hích để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
Bộ sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với những người dân trong diện chuyển đổi, trong diện không cho khai thác do cường độ cao, để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Có thể lựa chọn phương án bà con lên bờ, nhưng vẫn duy trì nuôi biển, nuôi trồng cạn, hoặc nuôi ở ven bờ với cường độ đảm bảo được về môi trường.
Ngoài ra, có thể chuyển hẳn sang nghề khác, tạo điều kiện cho bà con làm du lịch biển, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp. Mỗi đối tượng đều phải có chính sách cụ thể kèm theo, không nên đưa ra chính sách chung chung.
Việt Nam có bờ biển dài nhưng vẫn phải nhập khẩu muối
Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp cụ thể để Việt Nam có đủ muối dùng, không phải nhập khẩu và để diêm dân có thể sống bằng nghề của mình.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoàn cho biết, hiện nay nghề muối truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng muối đang thu hẹp, đời sống người dân làm muối chưa đảm bảo.
Bộ trưởng cho rằng cần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành này, chuyển đổi từ tư duy sản xuất muối sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mĩ phẩm.
Bộ đang thực hiện theo hướng đó, và nhiều doanh nghiệp cũng đang góp phần tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho ngành này.
Tranh luận với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng muối của Việt Nam khoảng 1,5 – 1,6 triệu tấn/năm. Mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đại biểu cho rằng Việt Nam là nước có bờ biển dài nhưng vẫn phải nhập khẩu muối.
Đại biểu mong rằng Thủ tướng Chính phủ có biện pháp giúp đỡ diêm dân nâng cao sản lượng, chất lượng sản xuất muối, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.