Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mạnh ai nấy mua tạo ra giá sầu riêng ảo

Một số đối tượng môi giới vào tận vườn người dân chốt giá mua sầu riêng rất cao, từ 80-90.000 đồng/kg, mục đích gây nhiễu loạn thị trường.

Ngày 11-9, tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan Thường trực Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và Giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: MQ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: MQ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại đầu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì diễn đàn.

Môi giới để đẩy giá sầu riêng tăng cao

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, sản lượng sầu riêng tăng từ 30,6 ngàn tấn năm 2016 lên ước đạt 190,2 ngàn tấn năm 2023, tăng 146,4 ngàn tấn (20,9 ngàn tấn /năm), tăng gấp hơn 4,3 lần sản lượng sầu riêng năm 2016.

Trong đó, sản lượng trên diện tích được cấp mã vùng trồng khoảng 47.310 tấn, chiếm 24,9%. Đắk Lắk có sản lượng sầu riêng đứng thứ hai cả nước sau Tiền Giang.

Ông Vũ Đức Côn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MQ

Ông Vũ Đức Côn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MQ

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, cho hay thời gian qua, một số đối tượng môi giới vào tận vườn người dân chốt giá rất cao, từ 80-90.000 đồng/kg, mục đích gây nhiễu loạn thị trường. Tuy nhiên, đến nay không còn các hiện tượng trên. Hiện các doanh nghiệp mua sầu riêng với giá từ 65-75.000 đồng/kg.

Về tiêu thụ, sầu riêng Đắk Lắk chủ yếu thông qua hình thức bán quả tươi. Tỉ trọng chế biến thấp. Trên cơ sở đó, ông Vũ Đức Côn đề xuất các cơ quan quản lý phát huy hơn vai trò của hiệp hội, ngành hàng trong tuyên truyền, tập huấn, cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Còn ông Y Djoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, địa phương được đánh giá là vựa sầu riêng của tỉnh, cho biết giá thu mua sầu riêng năm nay tăng mạnh so với năm trước.

Ông Y Djoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Ảnh: MQ

Ông Y Djoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Ảnh: MQ

Tuy nhiên, đi kèm về những lợi thế tốt cũng kéo theo những hệ lụy của việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất uy tín chất lượng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm sầu riêng Krông Pắk đối với thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Y Djoang Niê cho rằng người dân cần nâng cao nhận thức về quy định an toàn chất lượng sản phẩm, tuân thủ đầy đủ yêu cầu về quy trình sản xuất an toàn, không bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giữ gìn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng.

Đồng thời, ghi chép đầy đủ thông tin nhật ký nông hộ trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, bán sản phẩm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý về nông nghiệp thuộc huyện, tỉnh, trung ương.

Đối với các cơ sở kinh doanh sầu riêng, thực hiện tốt hợp tác chặt chẽ giữa các hộ dân trồng sầu riêng và các đơn vị cơ sở kinh doanh đảm bảo thực hiện tốt liên kết sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói tiêu thụ xuất khẩu sầu riêng theo quy định về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắk.

UBND huyện Krông Pắk cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tăng cường chỉ đạo các sở ngành hướng dẫn và hỗ trợ huyện thực hiện nhiều giải pháp quản lý, giám sát đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá phát triển thương hiệu sầu riêng Krông Pắk...

Cần giải thoát “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát

Diễn đàn đã nghe nhiều ý kiến từ nhiều chuyên gia đến từ các bộ, ngành Trung ương, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương.

Ông Lê Anh Trung phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MQ

Ông Lê Anh Trung phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MQ

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (hoạt động chính trong các lĩnh vực xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như ớt, yến, khoai lang, chanh dây, sầu riêng…) cho biết đối với vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, công ty đã cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức giá sầu riêng tăng quá cao, một số đối tác, khách hàng đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.

Nêu thực trạng của ngành hàng sầu riêng tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên, ông Trung cho biết tập đoàn liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Trải qua các vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân.

Nông dân Đắk Lắk chuẩn bị cho mùa thu hoạch sầu riêng. Ảnh: HT

Nông dân Đắk Lắk chuẩn bị cho mùa thu hoạch sầu riêng. Ảnh: HT

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết không chỉ sầu riêng mà nền nông nghiệp của Việt Nam đang manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Việc chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, đóng gói, xuất khẩu chưa bền vững.

Điều này dẫn đến khi sầu riêng rộng đường tiêu thụ, lại xảy ra tình trạng mạnh ai nấy thu mua. Khi mua không được thì người này nâng giá một chút, người kia tăng một chút, cuối cùng giá ảo. Vậy giá này do chúng ta tự tạo ra.

Để thoát khỏi “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các bên liên quan phải tổ chức lại khâu sản xuất, có sự tham gia từ đầu của doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu chứ không chỉ dừng lại ở việc thống kê diện tích, cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.

Dự kiến mở rộng sang thị trường Ấn Độ

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường, trong đó có Trung Quốc. Trong 8 tháng đầu năm 2023, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt hơn 300.000 tấn. Còn với sầu riêng đông lạnh cũng có 23 thị trường xuất khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất đi 10 thị trường đối với sầu riêng đông lạnh. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng.

Ngoài Trung Quốc là thị trường chủ đạo khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển.

Bà Hương thông tin thêm Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ. Điều này nhằm đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường.

VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-manh-ai-nay-mua-tao-ra-gia-sau-rieng-ao-post750897.html