Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp mù mờ
Trao đổi tại tọa đàm 'Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ' do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/3, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chia sẻ thẳng thắn về những ưu, nhược điểm của nền nông nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cần làm như thế nào để nhân rộng những phương pháp hiệu quả của một số địa phương đã áp dụng để tránh ùn tắc nông sản, gây khó cho nông dân?
Tư lệnh ngành nông nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ: “Tôi gọi nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp mù mờ cả đầu cung, mù mờ cả đầu cầu, đầu giữa, mù mờ về mùa vụ, sản lượng, truy xuất nguồn gốc.
Thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương làm 2 việc. Một, về đầu cung, chúng tôi đang có chương trình khuyến khích tăng cường mã định danh vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở chế biến. Trước đây, khi phát hiện thị trường thì chúng ta mới xây dựng vùng trồng vùng nuôi. Giờ chúng ta chủ động làm trước ngay cả thị trường nội địa.
Như tôi hay nói, khi chúng ta xuống giống thì 3 - 6 tháng sau chúng ta hình dung sản lượng thu hoạch là bao nhiêu, từ những thông tin đó chúng ta đưa lên Cổng thông tin dùng chung để các trung tâm, nhà phân phối kể cả trong nước, nước ngoài nhìn vào bảng đó, giống như bảng của thị trường chứng khoán. Thông số phải minh bạch, tích hợp từ các địa phương. Có thời điểm rõ ràng cụ thể để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhìn vào đó mà chuẩn bị, ước lượng mình có thể tham gia vào thị trường này ở phân khúc nào, sản lượng là bao nhiêu để chủ động kết nối ngay từ đầu mùa vụ.
Tất cả những con số mở ra giống như là dự báo thời tiết, tôi mong đó như dự báo thời tiết, sáng nào chúng ta cũng có rồi sau đó để chúng ta dẫn dắt thị trường, nếu có rủi ro thị trường thì chủ động xử lý.
Chúng tôi cũng cám ơn các địa phương, nhất là các địa phương cửa khẩu như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai. Trong thời gian vừa qua, mặc dù cũng trong vùng dịch, cũng đối phó các vấn đề của bà con mình mà vẫn hỗ trợ cho các bà con các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đây không phải là cửa khẩu của địa phương đó mà đang làm nghĩa vụ quốc gia."
Nông sản quay đầu bán rẻ như cho ở nội địa vì xuất khẩu gặp khó
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để “thông tuyến” cho nông sản, phải dẫn dắt chủ động trước 1 - 2 tháng chứ không đợi hoa quả chất lên xe ở miền Tây, Tây Nguyên rồi mới loay hoay, thậm chí có những lúc chở hàng tới cửa khẩu chưa biết khi nào thông quan được.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, phải mở rộng kết nối các đầu cung, các địa phương phía Bắc chủ động hơn nữa. Thời gian tới, chúng ta thay đổi dần dần, từ thị trường tiểu ngạch sang thị trường chính ngạch, từ xuất khẩu bằng đường bộ sang xuất khẩu bằng đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn.
Tại trung tâm này, phía Trung Quốc có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên. Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một "vùng xanh" để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.
Tình trạng ùn tắc nông sản gây nhiều khó khăn cho nông nghiệp, nông dân trong suốt nhiều tháng qua
Mặc dù có các trung tâm này rồi nhưng theo ông Lê Minh Hoan, quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước. Kể cả đến một ngày nào đó, tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước không còn dễ tính nữa. Vì vậy câu chuyện này phải thay đổi rất nhiều.