Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản thì vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.

Vẫn còn nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực thứ nhất tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ các giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới?

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu cụ thể những giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam?

ĐBQH Phạm Hùng Thắng chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Phạm Hùng Thắng chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài. Đồng thời, yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Về các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.

"Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ thị trường nếu hàng hóa của chúng ta không chuẩn được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta", Bộ trưởng cho biết.

Đặc biệt, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp.

"Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa", Bộ trưởng nói.

Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc thực thi hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để chúng ta tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay, chúng ta đã có hơn 13.000 sản phẩm Ocop. Nếu chúng ta thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của các ĐBQH (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của các ĐBQH (Ảnh: Quochoi.vn).

Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ cũng đang nghiên cứu sâu về vấn đề này vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định. Cụ thể chưa có Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành Nghị quyết về thương hiệu.

Bên cạnh đó, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Trong đó nhãn hiệu xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều đối với một sản phẩm nào đó.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy chúng ta phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng Hội đồng lúa gạo quốc gia.

"Đây là bước thay đổi về mặt thể chế, không can thiệp sâu vào thị trường nhưng phải điều chỉnh thị trường khi có bất kỳ một sự xung đột nào đó, bất kỳ một biến cố nào đó nhất là ngành lúa gạo là một hình ảnh của đất nước, một hình ngoại giao chứ không chỉ xuất khẩu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Sau Hội đồng lúa gạo quốc gia, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu đến những nông sản chủ lực như sầu riêng, cà phê, hồ tiêu…

Quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh, công tác quy hoạch và xây dựng quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều địa phương và nhiều nơi vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Có nơi có thực hiện nhưng thực hiện thì thiếu đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch đất đai nên trong quá trình thực hiện gặp những rào cản, khó khăn.

Điều này làm cho sự phát triển nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ và cũng có tình trạng của bà con tự phát trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng dẫn đến sự phát triển ngành Nông nghiệp thiếu bền vững.

Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết những bất cập trên là trách nhiệm này thuộc về ai và có những giải pháp nào để khắc phục?

Quy hoạch nông nghiệp là vấn đề khó trong nền kinh tế thị trường (Ảnh: Hữu Thắng).

Quy hoạch nông nghiệp là vấn đề khó trong nền kinh tế thị trường (Ảnh: Hữu Thắng).

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận vấn đề quy hoạch nông nghiệp là vấn đề khó trong nền kinh tế thị trường.

Ở trong nền kinh tế "trăm người bán vạn người mua" chúng ta không phải là quốc gia duy nhất để sản xuất mà có nhiều quốc gia cũng có những sản phẩm tương đồng. Thị trường luôn luôn thay đổi theo hàng năm, đòi hỏi những vấn đề về kỹ thuật, rào cản, thương mại… Do đó, đây là những điều khó nhất trong nông nghiệp.

"Tôi cũng biết rằng, bà con nông dân cũng như các địa phương cũng rất quan tâm để làm sao không lúc thì dư thừa, lúc thiếu hụt, lúc thì cung vượt cầu, lúc thì cung không đủ cầu, lúc thì trồng lúc thì đốn giống như câu chuyện sầu riêng chúng ta đang chứng kiến", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.

Theo Bộ trưởng cũng không thể nào làm được tất cả ở cấp độ các nông sản chủ lực, riêng vùng Tây Nguyên, vừa qua Bộ cũng có một hội nghị để kiểm điểm 2 năm việc thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu. Đây là vùng nguyên liệu tập trung cho những ngành hàng chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, cao su, cây ăn quả…

"Chỉ khi nào chúng ta có những vùng nguyên liệu tập trung theo những tiêu chuẩn nhất định, có sự liên kết giữa nông dân thông qua hợp tác xã với các doanh nghiệp và tạo ra những giá trị gia tăng... có vùng nguyên liệu tập trung, là cách để tiến dần xây dựng thương hiệu….", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Tuy nhiên, sau hai năm đánh giá do nguồn lực có hạn nên đầu tư cơ sở hạ tầng chưa tương xứng. Thêm nữa, tư duy mua bán mùa vụ và mua bán thương vụ vẫn còn lớn. Đây là vấn đề phải bền bỉ, các địa phương cũng cần phải tham gia sâu vào vấn đề này cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-truong-le-minh-hoan-noi-ve-giai-phap-ho-tro-tieu-thu-nong-san-204240821102626989.htm