Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sẽ điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới để sát thực hơn
Tại phiên trả lời chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, một số bà con trồng rừng ở vùng 2, vùng 3 (các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), cụ thể là ở tỉnh Bắc Kạn và một số tỉnh có rừng, đáng lẽ được nhận kinh phí khoán rừng, bảo vệ rừng năm 2021, nhưng đến nay chưa được nhận. Cùng với đó, Bộ cũng kiến nghị về việc điều chỉnh 31 tiêu chí nông thôn mới phù hợp với các đặc điểm của các vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khoán rừng để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, trong đó cân đối giữa định mức và nhu cầu thực tế ngân sách. Hiện đang áp dụng với định mức từ 300.000 - 400.000 đồng/ha/năm.
Qua rất nhiều kỳ Quốc hội, các địa phương đã phản ánh định mức này rất thấp. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang sửa đổi, ban hành nghị định. dự toán nghị định để nâng mức khoán này lên. Đến thời điểm này, mức hỗ trợ đã được nâng lên mức 400.000 - 600.000 đồng/ha/năm, cân đối từ nguồn lực chung.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ cũng đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ đề án Phát huy sự đa dạng của các hình thái rừng để tạo ra giá trị từ sự đa dạng hệ sinh thái rừng, tạo ra nhiều nguồn sinh kế dưới tán rừng chứ không chỉ duy nhất có kinh phí thuê khoán bảo vệ rừng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, vấn đề này có liên quan tới phát triển nông nghiệp bền vững. Trước khi có chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi (từ 2020 trở về trước), Bộ NN&PTNT vẫn tổng hợp và cấp ngân sách bình thường cho các địa phương vùng 1, vùng 2, vùng 3. Nhưng khi có Chương trình Dân tộc và Miền núi, các vùng miền núi vùng 2, vùng 3 chuyển sang Chương trình mục tiêu quốc gia Dân tộc của Miền núi. Do chương trình này khởi động sau nên quá trình tổng hợp không kịp thời. Nhưng theo Bộ trưởng, đến năm 2022 thì vấn đề cấp ngân sách trở lại bình thường.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, một số bà con trồng rừng ở vùng 2, vùng 3 - những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, đáng lẽ được nhận kinh phí này năm 2021, nhưng đến nay chưa nhận được.
Với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận thấy thiếu sót với bà con những địa phương kể trên. Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp cùng các thành viên chính phủ để rà soát trình thủ tướng về vấn đề cấp nguồn kinh phí 2021 cho các địa phương - ở đây liên quan đến sự phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những khó khăn, bất cập về công tác xây dựng nông thôn mới ở một số tỉnh miền núi, vùng cao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có kiến nghị trình Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương 3 chương trình mục tiêu quốc gia, về việc điều chỉnh 31 tiêu chí phù hợp với các đặc điểm của các vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các tiêu chí để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở các lĩnh vực giảm nghèo, việc làm, giáo dục, y tế, nước sạch… đều được xây dựng với mục tiêu nâng cao chất lượng sống người dân. Nay dựa trên thực tiễn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng như trao đổi với lãnh đạo các địa phương, có thể thấy các địa phương đều mong muốn sự linh hoạt hơn trong bộ tiêu chí với hướng giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương thẩm định các tiêu chí này.
Các tiêu chí thẩm định nông thôn mới trước đó đã được chia làm 7 vùng địa lý kinh tế. Nay có thể thấy rõ trong một vùng, trong một địa phương cũng có những điều kiện khác biệt. Dễ nhìn thấy nhất là sự khác biệt ở các địa phương khu vực miền núi phía Tây ở dải đất miền Trung.
Trước một số bất cập, Bộ NN&PTNT đề xuất điều chỉnh các tiêu chí này để sát với thực tế hơn, phù hợp hơn. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ có đối thoại với tất cả địa phương nằm ở phía tây của dãy Trường Sơn - những vùng có điều kiện địa lý kinh tế khác biệt các khu vực đồng bằng và ven biển.