Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thu nhập của người trồng lúa quyết định độ bền vững của ngành gạo!

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNN) Lê Minh Hoan cho rằng thu nhập của người trồng lúa mới quyết định độ bền vững của ngành hàng lúa gạo.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21.8, trả lời đại biểu về giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan cho rằng cần phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Ông Hoan nêu rõ, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU được Việt Nam thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Theo đó, đã tổ chức lại hệ thống kiểm ngư, hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư; có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU.

“Mặc dù đã giảm 20.000 chiếc tàu (từ hơn 100.000 chiếc xuống còn 86.000 chiếc) nhưng so với các nước trong khu vực, số lượng tàu của Việt Nam quá nhiều trên vùng biển, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững”, ông Hoan nêu.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về gỡ thẻ vàng IUU

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về gỡ thẻ vàng IUU

Ông Hoan cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm. Tuy nhiên, cấu trúc ngành thủy sản rời rạc, manh mún, nhỏ lẻ, nhưng chưa có thiết chế thực hiện theo hướng cộng đồng cùng quản lý nguồn lợi thủy sản - đây cũng là nội dung đã được quy định trong luật...

Bộ trưởng cũng cho biết trình độ nhân lực nghề cá còn hạn chế, vì vậy thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT có giải pháp để tăng cường nhận thức cho ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phát triển thương hiệu nông sản chưa hiệu quả

Các đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực của nước ta hiện nay chưa thực hiện hiệu quả, và đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp để bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống của người dân.

Bộ trưởng cho biết chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài, đồng thời yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.

“Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa của chúng ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta”, ông Hoan nêu.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp.

“Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ông Hoan cũng cho rằng việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ.

“Đến nay, chúng ta đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân”, ông Hoan nêu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cũng cho biết nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định như chưa có Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu, vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu…

Do đó, Bộ NN-PTNN đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng thì phải có hiệp hội ngành hàng

Về giải pháp trồng điều trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải ứng biến theo quy luật thị trường.

Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức mô hình khuyến nông, bản thân cây điều có đa tầng giá trị. Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng, tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh sản phẩm OCOP về điều; xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều.

Thời gian tới Bình Phước cũng sẽ tái cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng. “Không còn con đường nào khác, muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng thì phải có hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, các nhà vựa với bà con nông dân trồng sầu riêng để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu”, ông Hoan nêu.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp vừa ký Hiệp định thư thứ 2 về sầu riêng chế biến như: cơm sầu riêng, hạt sầu riêng, sầu riêng đông lạnh… Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, hiện Việt Nam đã mở cửa ngành hàng sầu riêng với thị trường Trung Quốc. Do đó, phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng…

Tư duy lại về cấu trúc ngành lúa

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực từ hoạt động của con người đối với môi trường đang là thách thức rất lớn cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là đối với Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2023, diện tích lúa của nước ta là 7,1 triệu hecta; sản lượng khoảng 43 triệu tấn; riêng Đồng bằng sông Cửu Long là 3,8 triệu hecta và sản lượng là gần 24 triệu tấn. Như vậy, mục tiêu 3,5 triệu hecta lúa, sản lượng ít nhất là 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4.000.000 tấn vào năm 2030. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNN cho biết liệu có đạt được mục tiêu đề ra? Nếu khó đạt thì có giải pháp như thế nào để ứng phó với tình trạng trên?

Các đại biểu tham gia chất vấn

Các đại biểu tham gia chất vấn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và diễn biến xu thế tiêu dùng trên thế giới là thách thức rất lớn. Do đó, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là đề án Chính phủ rất kỳ vọng.

“Lần đầu tiên nước ta có đề án quy mô lớn về giảm phát thải, tư duy lại toàn bộ cấu trúc ngành hàng trồng lúa, quan trọng nhất là tăng thêm thu nhập cho người nông dân không chỉ về giá lúa, mà còn thông qua giá trị tuần hoàn của cây lúa như giảm chi phí, bán tín chỉ carbon…; như vậy thu nhập của người trồng lúa mới quyết định độ bền vững của ngành hàng lúa gạo”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hoan cho rằng, từ đề án này của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai ngành trồng lúa ở Đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung; rồi chuyển sang cây ăn quả, thủy sản, chăn nuôi… vì đây là những ngành hàng phát thải lớn. Do đó, Việt Nam cần có trách nhiệm với thế giới để giảm phát thải.

Đối với vấn đề sụt, lún tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết Thủ tướng đã giao cho Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT cùng một số bộ ngành khác xây dựng Đề án đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún. Đây là một gói liên quan đến biến đổi khí hậu tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long và sẽ hoàn thành đề án để trình Chình phủ trong tháng 9 tới.

Bộ NN-PTNN cũng đã tổ chức nhiều hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương để tiếp cận đồng bộ về đầu tư công trình, về các giải pháp phi công trình và các vấn đề mang tính liên ngành. Ngoài ra, Bộ cũng đang tổng hợp nhu cầu giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, xây dựng công trình hạ tầng để giảm thiểu rủi ro đối với đồng bằng sông Cửu Long. Bộ KH-ĐT cũng thống nhất bước đầu quan điểm tiếp cận về danh mục đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoài Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-truong-le-minh-hoan-thu-nhap-cua-nguoi-trong-lua-quyet-dinh-do-ben-vung-cua-nganh-gao-222916.html