'Kế sách' chinh phục thế giới của các nhà sản xuất EV Trung Quốc

Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely hiện đang tìm kiếm địa điểm cho một nhà máy ở châu Âu nhưng chưa cam kết hoàn toàn xây dựng nhà máy sản xuất tại địa phương thay vì nhập khẩu. Đây là bước đi mới nhất của một hãng xe Trung Quốc cho thấy toan tính thâm nhập các thị trường lớn trên thế giới bất chấp hàng rào thuế quan ở nhiều quốc gia.

Xây nhà máy sản xuất

"Vẫn chưa phải là 100%", Li Chuanhai, phó chủ tịch của Geely Auto Group cho biết khi được hỏi liệu hãng sản xuất ô tô này có xây dựng nhà máy tại khu vực châu Âu không.

"Vẫn chưa phải là 100%", Li Chuanhai, phó chủ tịch của Geely Auto Group cho biết khi được hỏi liệu hãng sản xuất ô tô này có xây dựng nhà máy tại khu vực châu Âu không.

Các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Geely và chính phủ mới của Ba Lan về một nhà máy sản xuất xe điện chung tại quốc gia này, nhưng các quan chức đã nói với Reuters vào đầu năm nay rằng họ không coi Geely là đối tác lý tưởng.

"Chúng tôi có rất nhiều khả năng", Li úp mở khi được hỏi về các cuộc đàm phán, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Trong khi đó, Nicolas Appelgren, Tổng giám đốc điều hành châu Âu của thương hiệu Lynk & Co của Geely, tiết lộ Geely đang tìm kiếm các địa điểm trên khắp khu vực.

Thương hiệu này hiện chỉ bán một mẫu xe hybrid tại châu Âu, sẽ ra mắt một mẫu xe điện chạy bằng pin do Trung Quốc sản xuất tại Ý vào tháng tới nhưng có kế hoạch sản xuất mẫu xe điện chạy bằng pin tiếp theo tại châu Âu, Appelgren nói thêm rằng vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể.

Geely hiện là hãng sản xuất ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc xét về doanh số. Hãng sở hữu Volvo Cars, có liên doanh với Renault và nắm giữ cổ phần tại Aston Martin và Mercedes-Benz.

Hôm thứ Tư tuần này, công ty đã dành một cơ sở tại Frankfurt, nơi họ có kế hoạch thử nghiệm cái gọi là 'xe năng lượng mới', một thuật ngữ trong thị trường ô tô Trung Quốc dành cho xe hybrid, xe điện chạy bằng pin và xe chạy bằng hydro, để đánh giá hiệu suất và mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận của châu Âu.

Geely là cái tên gia nhập một số lượng ngày càng tăng các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc bao gồm Chery và Great Wall Motor đang có kế hoạch thành lập các nhà máy tại địa phương ở châu Âu khi Ủy ban châu Âu lên kế hoạch áp dụng các rào cản thương mại chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu xe điện từ nước ngoài, bao gồm thuế quan lên tới 35,3% mà các cuộc đàm phán với Bắc Kinh đang diễn ra.

Trong khi đó, người khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD đã công bố quan hệ đối tác cùng Uber với mục tiêu đưa 100.000 xe điện mới vào ứng dụng chia sẻ xe trên toàn cầu.

Sự hợp tác quốc tế, bắt đầu ở Châu Âu và Châu Mỹ Latinh, sẽ mở rộng sang Trung Đông, Canada, Úc và New Zealand, cung cấp mức giá dễ tiếp cận và tài chính cho xe điện BYD trên nền tảng của Uber.

Sự hợp tác quốc tế, bắt đầu ở Châu Âu và Châu Mỹ Latinh, sẽ mở rộng sang Trung Đông, Canada, Úc và New Zealand, cung cấp mức giá dễ tiếp cận và tài chính cho xe điện BYD trên nền tảng của Uber.

Các nhà phân tích cho rằng những thỏa thuận kiểu này chỉ là một ví dụ về cách Bắc Kinh vẫn đang tìm cách thâm nhập vào thị trường quốc tế để tiếp tục mở rộng vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực xe điện, bất chấp thuế quan đang rình rập và mối lo ngại ngày càng tăng về sự thống trị của xe điện Trung Quốc.

EU và Mỹ gần đây đã công bố kế hoạch áp thuế đối với xe điện Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại rằng một làn sóng xe điện giá rẻ có thể tràn vào thị trường của họ và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô trong nước.

Trung Quốc cho biết các động thái này là bảo hộ, nhưng Washington và Brussels nhấn mạnh chính các khoản trợ cấp lớn của Bắc Kinh cho xe điện là nguyên nhân.

Mặc dù Mỹ không nằm trong thỏa thuận BYD-Uber, Chengyi Lin, một giáo sư liên kết tại Đại học Insead, cho biết, "Với tôi, câu hỏi thực sự không phải là liệu xe điện Trung Quốc có vào thị trường Mỹ hay không, mà là làm thế nào họ sẽ vào được?".

Áp sát từ “láng giềng” có ưu đãi thuế quan

Lin, cùng với các chuyên gia khác, nói thêm rằng “kế sách” chuyển nhà máy và hoạt động sản xuất sang một quốc gia láng giềng, và sản xuất ở nước ngoài là những cách khác để Trung Quốc tiếp tục thâm nhập vào các thị trường toàn cầu, bao gồm cả Mỹ.

Lin giải thích rằng "Trung Quốc đã thành lập một cơ sở sản xuất tại Thái Lan vì có nhu cầu rất lớn ở Đông Nam Á. Điều đó cũng có thể xảy ra đối với thị trường Bắc Mỹ hoặc thị trường châu Âu".

BYD đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá hàng tỷ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 và cuối năm ngoái, công ty cũng công bố việc xây dựng một nhà máy ở Hungary. Cả hai quốc gia đều có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh và là một phần của EU.

Theo giáo sư Tom Moerenhout, Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, việc chuyển dịch sản xuất gần bờ, đặc biệt là ở Mexico, là một con đường để Trung Quốc tiếp cận thị trường xe điện của Mỹ.

Theo giáo sư Tom Moerenhout, Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, việc chuyển dịch sản xuất gần bờ, đặc biệt là ở Mexico, là một con đường để Trung Quốc tiếp cận thị trường xe điện của Mỹ.

Số liệu của ABI Research chỉ ra các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chiếm 88% thị trường xe điện tại Brazil và 70% tại Thái Lan trong quý 1. Riêng BYD, công ty xe điện lớn nhất Trung Quốc, đã chiếm 71% và 45% doanh số bán xe điện trong thời gian đó tại các thị trường tương ứng. Thị trường xe điện ở nhiều quốc gia này hiện còn nhỏ, nhưng đang phát triển nhanh chóng.

Đó là vấn đề đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống như Ford và các công ty dẫn đầu thị trường xe đốt trong hiện tại như Toyota và Volkswagen, những công ty có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc và có nguy cơ bị tụt hậu khi các thị trường đang phát triển chuyển sang xe điện.

"Bằng cách dựng lên một bức tường xung quanh EU hoặc Mỹ, về cơ bản bạn đang nhường phần còn lại của thế giới cho Trung Quốc", Bill Russo, CEO của công ty chiến lược ô tô Automobility có trụ sở tại Thượng Hải, nói.

"Bằng cách dựng lên một bức tường xung quanh EU hoặc Mỹ, về cơ bản bạn đang nhường phần còn lại của thế giới cho Trung Quốc", Bill Russo, CEO của công ty chiến lược ô tô Automobility có trụ sở tại Thượng Hải, nói.

Không giống như chính phủ châu Âu và Mỹ, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã chứng minh được sự cởi mở hơn với Trung Quốc, đưa ra các ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất nước ngoài muốn đầu tư vào công nghệ xanh tại Brazil.

Great Wall và BYD đều đã cam kết xây dựng các nhà máy tại quốc gia này. BYD ước tính rằng khu phức hợp Camaçari của họ sẽ có thể sản xuất 150.000 xe mỗi năm sau khi đi vào hoạt động, trong khi cơ sở của Great Wall gần São Paulo cuối cùng có thể sản xuất 100.000 xe mỗi năm.

Khi nói đến các kế hoạch thống trị xe điện toàn cầu của Trung Quốc, không nơi nào khiến Mỹ lo lắng như Mexico.

Quốc gia láng giềng phía nam của Mỹ có một hiệp định thương mại tự do với Mỹ và các báo cáo cho thấy BYD, MG và Chery đều đang xem xét các kế hoạch xây dựng nhà máy tại quốc gia này đã gây ra sự lo ngại trong số các quan chức Mỹ vào năm ngoái.

Một số nhà lập pháp Mỹ thậm chí đã cảnh báo rằng Mexico có thể đóng vai trò là "cửa sau" cho các công ty xe điện Trung Quốc, và đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai gần đây đã ám chỉ đến các hình phạt bổ sung đối với các công ty Trung Quốc thử chiến thuật này.

Nhưng Mexico cũng là một thị trường lớn theo đúng nghĩa của nó, và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang thèm khát một miếng bánh.

Thị trường xe điện của Mexico vẫn còn non trẻ, nhưng chính phủ muốn 50% doanh số bán ô tô mới là xe điện vào năm 2030. Tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc đã tăng gần một phần ba trong bốn tháng đầu năm 2024, theo dữ liệu từ Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc, cho thấy người tiêu dùng rất cởi mở với xe Trung Quốc.

Tại Úc, BYD đang cạnh tranh trực tiếp với Tesla trên thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng.

Tesla chiếm hơn một nửa thị trường xe điện của Úc nhưng BYD, công ty đã gia nhập thị trường Úc vào năm 2022, đang nhanh chóng bắt kịp, đạt 14% thị phần vào tháng 3, theo dữ liệu từ Phòng Thương mại Công nghiệp Ô tô Liên bang Úc.

BYD đã công bố doanh số kỷ lục tại quốc gia này vào tháng 5 và sẽ bổ sung thêm hai mẫu SUV và một xe bán tải vào dòng xe điện của mình trong năm nay.

Không giống như Châu Âu và Mỹ, Úc không áp dụng thuế quan đối với xe điện nước ngoài và chính phủ của quốc gia này, lên nắm quyền vào năm 2022, đã vạch ra động thái thúc đẩy tăng nguồn cung xe điện giá cả phải chăng và dễ tiếp cận.

Các công ty xe điện Trung Quốc khác cũng đang thâm nhập vào lục địa này, với SAIC Motor có kế hoạch ra mắt ba mẫu xe mới trong năm nay và công ty khởi nghiệp Leapmotor có trụ sở tại Hàng Châu, chuyên về xe điện giá cả phải chăng, coi Úc là thị trường ưu tiên.

Với sự thay đổi liên tục trong chính sách tiếp cận thị trường, dù Mỹ hay châu Âu có siết chặt thì dường như các công ty Trung Quốc vẫn có “kế” để tăng trưởng. Rào cản thương mại không hề kìm hãm những gã khổng lồ xe điện của Trung Quốc mà chỉ đẩy nhanh quá trình thâu tóm toàn cầu của họ.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, khi áp dụng thuế quan, thực tế là nó sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển động của cả chuỗi cung ứng và các nhà sản xuất ô tô để vươn ra toàn cầu nhanh hơn nữa. Thuế quan sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển hướng của các nhà sản xuất Trung Quốc sang các khu vực không liên kết, tức là các thị trường mới nổi.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ke-sach-am-tham-chinh-phuc-the-gioi-cua-cac-nha-san-xuat-ev-trung-quoc.htm