Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Xuất khẩu gạo là nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, chứ không phải của doanh nghiệp nào'

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sự kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn lỏng lẻo nên nông sản Việt Nam xuất khẩu chưa ghi dấu lớn trên thị trường xuất khẩu.

Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo và rau quả

Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo và rau quả

Bộ Công Thương vừa làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2024.

Nêu vấn đề tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay: “Hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp”.

Nhìn thẳng vào sự yếu kém trong khâu hợp tác, liên kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng: khi chúng tôi đi hội chợ quốc tế, các bạn Trung Quốc trưng bày là cả 1 không gian, nhưng với Việt Nam, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng 1 góc ngoài chứ không đi chung với hiệp hội hay Bộ, ngành.

“Rõ ràng, nếu bản thân các doanh nghiệp không thay đổi thì thì sẽ không thể đi xa được. Cần phải nhấn mạnh việc chúng ta xuất khẩu gạo Việt Nam, nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An, hay một doanh nghiệp gạo nào khác. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi, liệu hiệp hội đã làm hết vai trò của Hiệp hội chưa? Nếu hiệp hội chỉ là người cộng các con số xuất khẩu của doanh nghiệp thành viên thì đây không phải là chức năng của hiệp hội. Hiệp hội phải là người kết nối các doanh nghiệp.

“Cần phải thay đổi hoàn toàn tư duy, cách làm việc của hội và hiệp hội. Khi và chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác, khi đó, mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia (bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn).

Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước.

Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các khu vực/phân khúc thị trường mới, tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả, như: Sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh... Những yếu tố trên sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại gạo và rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), dự kiến diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước khoảng 7,09 triệu ha. Năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; Sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.

Dự kiến diện tích rau năm 2024 sản xuất khoảng 1.030 nghìn ha (tăng khoảng 30 nghìn ha so với 2023), năng suất dự kiến đạt 191,5 tạ/ha (cao hơn so với năm 2023 khoảng 0,5 tạ/ha), sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn (cao hơn 2023 khoảng 624 nghìn tấn).

Nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa, rau năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn.

Với việc diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch (sầu riêng...), Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch...;

Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói xuất khẩu theo các yêu cầu Nghị định thư đã ký; không ngừng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chuẩn hóa các quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa.

Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do Elnino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Dù vậy, ông cũng nêu một số vấn đề tồn tại, như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đồng thời đề nghị Liên bộ và Hiệp hội chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Nam, trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, nên họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy, chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho hay, xuất khẩu rau quả tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài.

Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng, đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được (đó là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ) khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về mặt chất lượng liên quan đến khâu sản xuất (từ vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói) làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra vi phạm, vì vậy các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của doanh nghiệp, người sản xuất, tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu gạo và rau quả nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-truong-le-minh-hoan-xuat-khau-gao-la-noi-den-hinh-anh-gao-viet-nam-chu-khong-phai-cua-doanh-nghiep-nao-post577829.antd