Bộ trưởng mong người dân thông cảm nếu giá thịt lợn tăng!
Trước băn khoăn của một số đại biểu về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn dịp tết Nguyên đán do ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đã có phương án cân đối nguồn thực phẩm. Giá thịt lợn có nhích hơn sau đợt dịch, và ông mong người dân thông cảm điều này.
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trước Quốc hội sáng 6/11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) băn khoăn về các phương án để ngành nông nghiệp bù lại lượng thịt lợn đang thiếu do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, đặc biệt khi tết Nguyên đán đến gần.
Đây cũng là điều được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) và đại biểu Sần Sín Sỉnh (đoàn Lào Cai) quan tâm, từ đó đặt câu hỏi về việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiêp tái đàn lợn sau dịch có phương án cụ thể nào hay chưa để bình ổn thị trường thịt lợn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vấn đề này đã được đặt ra ngay thời điểm xảy ra dịch (tháng 2/2019). Khi đó, Bộ NNPTNT đã lập tức lên các phương án triển khai toàn quốc nhằm tập trung tăng cường các sản phẩm khác bổ sung nguồn cung thịt lợn như gia cầm, đại gia súc, thủy sản…
“Nguyên tắc được ngành đưa ra là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, bởi cùng một lúc “bung” ra nhiều cách khắc phục mà không đảm bảo được vấn đề này thì tình hình còn phức tạp hơn” – ông nói.
Thách thức đặt ra cho ngành chăn nuôi thời điểm đó, theo ông Cường là rất lớn, trong đó có yêu cầu về sản xuất theo chuỗi, đồng thời phải trả lời được câu hỏi: hàng hóa sẽ bán ở đâu, thị trường ra sao để tránh việc tồn đọng hàng do sản xuất ồ ạt.
Ông Cường cho biết, sau 9 tháng triển khai, kết quả bổ sung thực phẩm đạt khả quan. Cụ thể, đàn gia cầm tăng 12% sản lượng, thủy sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng 4%... “Bằng những thực phẩm thay thế, chúng ta hoàn toàn cân đối, đảm bảo không khủng hoảng thiếu thực phẩm, không để xảy ra tình trạng thiếu khủng hoảng như Trung Quốc” - ông Cường nói.
Đề cập đến thói quen ăn thịt lợn của người Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để giúp người dân ăn các thực phẩm thay thế, cần có quá trình tuyên truyền chứ không phải một sớm, một chiều thay đổi được. Ông thông tin, vừa qua Bộ đã làm việc với 13 doanh nghiệp đầu ngành, họ cam kết phát triển tối đa nhưng phải đảm bảo an toàn.
“Hiện nay có 109.000 đàn giống hạt nhân, chúng tôi sẽ tập trung tăng đàn để có thể hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu từ nay đến cuối năm” - Bộ trưởng nói và cam kết bằng mọi giải pháp không để xảy ra khủng hoảng.
Liên quan đến giá thịt lợn cao, Bộ trưởng cho biết trước đây giá 40-45 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 60-65 nghìn đồng/kg. Ông mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn và nhấn mạnh quan điểm làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được, và đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro.
Thông tin thêm về tình hình diễn biến dịch, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay đã xảy ra trên toàn quốc với tổng số thiệt hại cho đến giờ phút này là 5,7 triệu con lợn, bằng khoảng 8,5% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn. Ông nhấn mạnh đây là một thiệt hại rất lớn. Một điều đặc biệt là các thiệt hại này nếu rơi vào các nhóm hộ nhỏ lẻ của bà con nông dân thì đây là một thiệt hại vô cùng tai hại mà từ trước đến nay không bao giờ gặp loại dịch lớn và thiệt hại như thế này.
"Chúng ta đã tập trung các nhóm giải pháp từ ứng phó, phòng trừ, rồi các mặt. Chúng tôi cũng rất cảm ơn các địa phương đã tích cực triển khai. Nói chung phải nói hôm nay các địa phương tập trung triển khai rất quyết liệt, còn đâu đó vẫn còn những điểm do thực tiễn có chuyện như thế. Nhưng lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực, tất cả lực lượng lãnh đạo đều ra quân để ứng phó với việc này" - ông nhìn nhận.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, hiện tình hình dịch đã kiểm soát. 9 tỉnh có dịch cho đến nay trên 85% số xã qua 30 ngày không có dịch quay trở lại. Trong đó, tỉnh Hưng Yên, tỉnh đầu tiên phát dịch, cho đến nay 100% số xã không còn, không có dịch quay trở lại.