Bộ trưởng Ngoại giao Séc: EU sẽ đáp trả nếu Mỹ tăng thuế
Phát biểu trên truyền thông, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavský cho biết nếu Mỹ tiếp tục và áp dụng mức thuế tăng 50% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) từ 1 tháng 6, Châu Âu phải bảo vệ lợi ích của mình và có các biện pháp đáp trả tương xứng.
Bộ trưởng Ngoại giao Séc chia sẻ một gói thuế trả đũa cho việc Mỹ áp thuế đối với EU đã được đàm phán trước đó và nhấn mạnh nhu cầu duy trì sự thống nhất về vấn đề này trong EU. Ông cũng bày tỏ vui mừng vì EU đã phản ứng bình tĩnh và hợp lý, nhằm nỗ lực ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.
Trước đó, ngày 24/5, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ EU từ ngày 1 tháng 6. Mức này gấp 2,5 lần thuế đối ứng mà Mỹ áp với EU. Người đứng đầu bộ phận thương mại của Liên minh châu Âu cho biết khối này cam kết đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Mỹ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Ảnh minh họa theo radiozurnal.rozhlas
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Washington, đã xuất khẩu hơn 600 tỷ đô la hàng hóa vào năm ngoái và mua 370 tỷ đô la hàng hóa. Năm 2024, Mỹ thâm hụt thương mại hàng hóa với EU là 235,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2023.
Phản ứng trước lời đe dọa của tổng thống Trump, chính phủ các quốc gia châu Âu cảnh báo rằng việc tăng thuế quan sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin cho biết vẫn giữ nguyên quan điểm giảm leo thang nhưng sẵn sàng ứng phó với những gì xảy ra. Bộ trưởng Kinh tế Đức Katherina Reiche cho biết khối này sẽ phải thực hiện các biện pháp để đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Tháng trước, ông Trump đã công bố mức thuế 20% đối với hàng châu Âu nhưng hoãn áp dụng để tạo điều kiện đàm phán. Như vậy, hàng hóa của Liên minh châu Âu nhập hiện chỉ chịu mức thuế quan 10% như hầu hết các quốc gia, cùng với mức 25% đối với ôtô, thép và nhôm.
Trước đó, Brussels gửi Washington danh sách cập nhật các nhượng bộ sẵn sàng chấp nhận để có một thỏa thuận thương mại tương tự Mỹ đã đạt được với Anh và Trung Quốc. Trọng tâm đề xuất là thỏa thuận trị giá khoảng 50 tỷ euro, gồm việc EU mua thêm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và đậu nành để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, áp dụng mức thuế 0% đối với ôtô và hàng công nghiệp hoặc hợp tác chiến lược về năng lượng, trí tuệ nhân tạo và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như 5G. Bên cạnh đó, khối này cũng đưa ra các cam kết về quyền lao động quốc tế, tiêu chuẩn môi trường và an ninh kinh tế, tuy nhiên các đề xuất này vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với ông Trump.