Đồng minh cũng mất kiên nhẫn với Israel
Áp lực quốc tế đang gia tăng đối với Israel khi nước này mở cuộc tấn công quân sự mới vào Dải Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng chỉ trong vài ngày qua. Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Canada đe dọa sẽ thực hiện 'các hành động cụ thể', bao gồm các lệnh trừng phạt có mục tiêu, nếu Israel không dừng cuộc tấn công quân sự mới của mình và tiếp tục chặn viện trợ vào Gaza.
Nấc leo thang mới
Israel đã phát động một cuộc tấn công trên bộ mới tàn khốc ở Gaza vào ngày 17/5, ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến thăm, rời khỏi khu vực Trung Đông mà không ký kết thỏa thuận về ngừng bắn và con tin.

Các nhà ngoại giao quốc tế đến thăm khu Bờ Tây của Palestine.
Quân đội Israel cho biết lực lượng của họ đã tiến vào phía Bắc và phía Nam Gaza như một phần của chiến dịch "Gideon's Chariots", mà Israel cảnh báo sẽ diễn ra nếu Hamas không đồng ý với một thỏa thuận con tin mới theo các điều khoản của mình. Chiến dịch trên bộ diễn ra sau nhiều ngày không kích dữ dội vào Dải Gaza, theo các cơ quan y tế ở đó đã xóa sổ toàn bộ các gia đình.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel có kế hoạch "kiểm soát toàn bộ Dải Gaza".
Các bên tham chiến đã không đạt được thỏa thuận trong chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào trung tuần tháng 5 và Israel đã tiếp tục chiến dịch của mình. Chiến dịch này bắt đầu bằng các cuộc không kích dữ dội và tiếp theo là một cuộc tấn công trên bộ mở rộng vào ngày 18/5. Quân đội Israel cho biết trong gần 10 ngày qua, họ đã tấn công gần 700 "mục tiêu của Hamas" trong một loạt cuộc không kích sơ bộ trên khắp Gaza.
Sáng sớm ngày 19/5, lực lượng Israel đã tấn công kho vật tư y tế của khu phức hợp y tế Nasser ở Khan Younis, phía Nam Gaza, làm hư hại một số vật tư y tế do Tổ chức Viện trợ y tế cho người Palestine (MAP) có trụ sở tại Anh cung cấp cho trung tâm.
Theo số liệu của Bộ Y tế Palestine cung cấp cho truyền thông, hơn 400 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương kể từ ngày 15/5. Hơn 53.000 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi Israel bắt đầu cuộc chiến vào ngày 7/10/2023, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Thảm họa nhân đạo ở Gaza khiến các đồng minh mất kiên nhẫn với Israel.
Vào ngày 18/5, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết do "nhu cầu hoạt động", Israel sẽ cho phép "một lượng thực phẩm cơ bản" vào Gaza để ngăn chặn nạn đói ở vùng đất này, điều mà Israel cho rằng sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động quân sự của mình. Ông Netanyahu cũng ám chỉ rằng đất nước của ông có thể mất đi sự ủng hộ của các đồng minh thân cận nhất, bao gồm cả Mỹ, nếu không dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 11 tuần đối với lãnh thổ này, điều này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thực tế mà các cơ quan viện trợ cho biết có thể dẫn đến nạn đói lan rộng.
Cộng đồng quốc tế lên tiếng
Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng toàn bộ dân số hơn 2,1 triệu người của Gaza đang phải đối mặt với nguy cơ nạn đói sau 19 tháng xung đột và di dời hàng loạt. Các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp và Canada đã kêu gọi Chính phủ Israel dừng các hoạt động quân sự ở Gaza và cho phép viện trợ nhân đạo vào.
Áp lực quốc tế về nạn đói đang rình rập đã buộc Thủ tướng Israel phải tuyên bố vào tối 18/5 rằng ông sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa Gaza kéo dài 11 tuần để ngăn chặn "cuộc khủng hoảng đói kém". Gần 24 giờ sau, Liên hợp quốc cho biết 9 xe tải viện trợ đã được thông quan để vào. Con số này ít hơn 2% so với các chuyến hàng hàng ngày trước chiến tranh, khi người dân Palestine ở Gaza được ăn uống đầy đủ và dải đất này có ngành nông nghiệp riêng và sẽ không tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa nào đối với cuộc khủng hoảng hiện đang ảnh hưởng đến hầu hết 2,3 triệu dân của nơi này. Anh, Pháp và Canada mô tả các biện pháp của Israel là "hoàn toàn không thỏa đáng", cảnh báo rằng biện pháp này có nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi "trở lại hoạt động cung cấp viện trợ theo các nguyên tắc nhân đạo".
Trong một diễn biến khác, ngày 21/5, quân đội Israel đã bắn "phát súng cảnh cáo" vào một nhóm 25 nhà ngoại giao đang thăm Jenin ở khu Bờ Tây do Israel chiếm đóng, gây ra làn sóng phẫn nộ và kêu gọi điều tra từ cộng đồng thế giới.
Một đoạn phim video cho thấy một số nhà ngoại giao đang trả lời phỏng vấn của giới truyền thông thì có tiếng súng nổ gần đó, buộc họ phải chạy tìm nơi ẩn nấp. Phái đoàn bao gồm các đại sứ và nhà ngoại giao đại diện cho 31 quốc gia, bao gồm Italy, Canada, Ai Cập, Jordan, Anh, Trung Quốc và Nga. Nhóm này đang thực hiện nhiệm vụ chính thức do chính quyền Palestine tổ chức để quan sát tình hình nhân đạo tại đó. Quân đội Israel cho biết chuyến thăm đã được chấp thuận nhưng phái đoàn "đã đi chệch khỏi lộ trình đã được chấp thuận" và quân đội Israel đã bắn phát súng cảnh cáo để giữ khoảng cách với khu vực này.
Các bộ trưởng Canada, Anh, Pháp và các nước châu Âu khác đã triệu tập các Đại sứ Israel tại thủ đô của họ để giải thích về sự cố "không thể chấp nhận được", điều này sẽ làm gia tăng sự tức giận và lo ngại của quốc tế khi Israel tiếp tục cuộc tấn công ở Gaza và đẩy mạnh việc mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây vốn là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Đức, một đồng minh lâu năm của Israel, đã lên án những gì họ gọi là "bắn vô cớ", trong khi Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và EU yêu cầu một cuộc điều tra. Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng kêu gọi Israel tiến hành một "cuộc điều tra kỹ lưỡng".

Lính Houthi tuần tra trên phố tại thủ đô Sana'a, Yemen.
Houthi Yemen đe dọa phong tỏa cảng Haifa của Israel
Trong một tuyên bố gây chú ý ngày 19/5, lực lượng vũ trang Houthi tại Yemen tuyên bố sẽ triển khai “lệnh phong tỏa hàng hải” nhằm vào cảng Haifa - một trong những cảng biển chiến lược quan trọng của Israel ở khu vực miền Bắc. Phát biểu trên nền tảng mạng xã hội X, người phát ngôn quân sự của lực lượng Houthi, Chuẩn tướng Yahya Saree khẳng định: “Lực lượng vũ trang Yemen đã quyết định bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa hàng hải đối với cảng Haifa”. Ông đồng thời gửi cảnh báo rõ ràng đến các công ty vận tải quốc tế rằng mọi tàu thuyền đang hoạt động hoặc có kế hoạch đến cảng Haifa kể từ thời điểm công bố lệnh này sẽ được xem là mục tiêu hợp pháp trong các chiến dịch quân sự của Houthi.
Tuyên bố của lực lượng Houthi đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi nhóm này đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời với Mỹ đầu tháng 5, một nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột lan rộng trên các tuyến hàng hải quốc tế. Trước đó, Houthi từng tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các tàu thương mại và cơ sở hạ tầng hàng hải trong khu vực Biển Đỏ, gây ra những gián đoạn đáng kể cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Động thái lần này mang hàm ý chính trị sâu sắc hơn khi nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn tuyên bố trực tiếp nhắm vào một mục tiêu trên lãnh thổ Israel, thay vì chỉ tấn công các tàu có liên hệ gián tiếp. Cảng Haifa không chỉ là đầu mối hậu cần chiến lược phục vụ quân sự và thương mại, mà còn là trung tâm tiếp nhận năng lượng và vật tư quan trọng cho nền kinh tế Israel. Việc cảng Haifa bị đe dọa tấn công khiến giới quan sát lo ngại về khả năng mở rộng xung đột từ Gaza sang mặt trận phía Bắc, trong bối cảnh quan hệ giữa Israel với các lực lượng do Iran hậu thuẫn như Hezbollah và Houthi đang căng như dây đàn.
Theo giới chuyên gia an ninh khu vực, thông điệp của Houthi không đơn thuần là biểu tượng chính trị, mà thể hiện rõ toan tính chiến lược: gia tăng áp lực lên Tel Aviv bằng cách tạo thêm các điểm nóng, đồng thời tìm cách thách thức sự hiện diện của phương Tây, đặc biệt là Mỹ - tại các tuyến hàng hải trọng yếu. Việc lựa chọn cảng Haifa làm mục tiêu không chỉ mang tính biểu tượng về mặt địa lý, vì đây là cảng lớn nhất phía Bắc Israel mà còn nhằm gửi tín hiệu mạnh mẽ về năng lực tấn công và quyết tâm mở rộng không gian chiến thuật ra ngoài Biển Đỏ, nơi Houthi từng tuyên bố kiểm soát.
Chiến tuyến đa tầng
Trong bối cảnh chiến dịch quân sự tại Gaza tiếp tục leo thang, tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc “kiểm soát toàn bộ Dải Gaza” cho thấy quyết tâm không khoan nhượng của Tel Aviv trước phong trào Hamas. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào một vòng xoáy xung đột mở rộng, khi các lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn như Houthi, Hezbollah và các nhóm thân Iran tại Iraq, Syria,... đồng loạt gia tăng hành động phản ứng.
Từ sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10/2023 của Hamas vào lãnh thổ Israel, Houthi - lực lượng nổi dậy tại Yemen đã nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo và triển khai máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu của Israel và các tàu hàng phương Tây trên Biển Đỏ. Dù đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời với Mỹ vào đầu tháng 5, nhóm này vẫn duy trì lập trường cứng rắn, khẳng định sẽ tiếp tục các hành động quân sự để phản đối việc Israel phong tỏa viện trợ nhân đạo tới Gaza và nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine.
Tuyên bố phong tỏa cảng Haifa của Houthi chỉ vài ngày sau khi Israel tuyên bố không kích các cảng do nhóm này kiểm soát và đe dọa sẽ tiêu diệt thủ lĩnh Houthi cho thấy tính toán chiến lược ngày càng quyết liệt của các bên tham chiến. Không chỉ là một đòn trả đũa đơn lẻ, hành động này mang thông điệp cảnh báo rõ ràng: Cuộc xung đột tại Gaza đang trở thành chất xúc tác cho các lực lượng ủy nhiệm hành động ngoài giới tuyến địa lý truyền thống.
Trong khi đó, vị trí chiến lược của cảng Haifa, không chỉ đối với Israel mà còn trong chuỗi vận chuyển năng lượng và hàng hóa toàn cầu biến nó trở thành một điểm nghẽn tiềm tàng. Bất kỳ sự gián đoạn nào tại đây đều có thể kéo theo hậu quả dây chuyền đối với thương mại khu vực Địa Trung Hải, vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và chuỗi cung ứng châu Á - Âu. Điều này lý giải vì sao Mỹ và các quốc gia châu Âu theo dõi sát sao mọi động thái quân sự tại cảng này và vùng biển lân cận.

Cảng Haifa tấp nập đang trở thành mục tiêu của các cuộc trả đũa leo thang.
Sự nổi lên và gia tăng hoạt động của các nhóm vũ trang phi nhà nước, được xem như các lực lượng ủy nhiệm trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Iran và các cường quốc phương Tây, đang góp phần làm phức tạp sâu sắc bức tranh an ninh vốn đã đầy biến động tại khu vực Trung Đông. Mặc dù các bên liên quan thường xuyên khẳng định hành động của mình có giới hạn và nhằm tránh leo thang thành xung đột toàn diện, nhưng thực tế diễn biến tại Gaza, Biển Đỏ, Lebanon và mới đây là cảng Haifa cho thấy ranh giới giữa “phản ứng có kiểm soát” và “chiến tranh toàn diện” đang ngày càng mờ nhạt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể lường trước.
Trong bối cảnh này, việc duy trì các kênh đối thoại hiệu quả, thiết lập và thực thi các cơ chế giảm leo thang căng thẳng cũng như đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải chiến lược tại khu vực trở thành ưu tiên cấp thiết của cộng đồng quốc tế. Các hoạt động quân sự dù quy mô lớn hay nhỏ, hay những sai lầm trong tính toán chiến lược đều có thể trở thành chất xúc tác châm ngòi cho một chuỗi phản ứng dây chuyền với hậu quả khó kiểm soát, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy khủng hoảng an ninh với phạm vi và mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng.
Thách thức đặt ra là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan cùng với các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ và kiên trì nhằm bảo đảm ổn định, hòa bình và an ninh bền vững cho toàn khu vực, góp phần ngăn ngừa nguy cơ bùng phát xung đột lan rộng vượt ngoài tầm kiểm soát.