Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Công tác lập quy hoạch đang được đẩy nhanh
Hai nội dung về đầu tư công và công tác quy hoạch được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phiên buổi sáng ngày 6/11.
Công tác lập quy hoạch đang được đẩy nhanh
Cho rằng công tác lập quy hoạch có vai trò quan trọng nhưng kết quả thực hiện còn chậm, gây khó khăn cho các địa phương trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) trong phiên chất vấn sáng 6/11 đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ nguyên nhân vì sao và giải pháp để đẩy nhanh.
“Đúng là công tác lập quy hoạch lúc đầu có vướng mắc, nhưng sau khi có Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội thì vướng mắc đã được giải quyết, tiến độ lập quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Dũng, việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch là nhiệm vụ mới, phức tạp, có tính chất tích hợp, cần thay đổi cả tư duy lẫn cần hướng dẫn cụ thể, do vậy, thời gian đầu đã bị chậm. Nhưng hiện tại, trong tổng số 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, đã có 106 quy hoạch được hoàn thành việc thẩm định, trình thẩm định hoặc phê duyệt xong.
“Đây là nỗ lực rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết, hiện còn hai vấn đề lớn. Đó là các quy hoạch đã thẩm định xong cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện dựa trên rà soát quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia… rồi trình HĐND tỉnh xem xét, nên rất mất thời gian.
“Nhưng nếu không làm vậy thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thực tế, trong suốt thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực đẩy nhanh công tác lập và thẩm định quy hoạch, bao gồm cả các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Và một trong những yêu cầu xuyên suốt của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là “nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng”. Chính vì vậy, công tác thẩm định, hoàn thiện quy hoạch luôn được thực hiện một cách thận trọng.
Ngoài việc phải chỉnh sửa, hoàn thiện các quy hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một vấn đề lớn khác đó là hiện thời còn hai quy hoạch “khó” cần hoàn thành lập và thẩm định, là quy hoạch của Hà Nội và TP.HCM. Đây là hai cực tăng trưởng kinh tế của cả nước, nên quy hoạch của hai thành phố này là rất quan trọng.
Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước khi Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh xem xét, thông qua, sẽ có cuộc báo cáo riêng về các quy hoạch này. Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo về hai quy hoạch này. Và do vậy, khó có thể hoàn thành cả hai quy hoạch này trong năm nay.
Với hai quy hoạch tỉnh còn lại, của Đồng Nai và Bình Dương, theo Bộ trưởng, sẽ tập trung đẩy nhanh,có thể kịp trong năm nay.
Liên quan đến công tác lập quy hoạch, phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã một lần nữa yêu cầu phải đẩy nhanh. “Vì quy hoạch phải đi trước một bước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Thất thoát, lãng phí trong đầu tư công có thể từ khâu lựa chọn dự án
Liên quan đến vấn đề đầu tư công, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn cả Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về việc tiết kiệm trong đầu tư công. Liệu có phải liên quan đến định mức xây dựng công trình giao thông hay không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề không nằm ở định mức xây dựng mà nằm ở quá trình triển khai. Như ăn bớt khối lượng, chất lượng hoặc để thời gian thực hiện quá dài, lãng phí không đưa vào sản xuất, sử dụng, thiếu vốn, hay để tình trạng vốn chờ dự án…
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lãng phí, thất thoát có thể bắt đầu từ khâu lựa chọn dự án. Vì cái cần làm trước thì lại không làm, cái chưa cần làm thì lại làm. Việc lựa chọn quy mô đầu tư cũng như vậy.
“Cái cần làm lớn ngay thì lại phân kỳ đầu tư, dẫn tới sau này phải mở rộng, điều chỉnh, gây tốn kém. Như các dự án giao thông, nếu đã xác định làm cao tốc thì giải phóng mặt bằng xong một lần, sau đó mới phân kỳ đầu tư. Sau này, có điều kiện thì hoàn chỉnh, thảm thêm các làn đường mới, vừa nhanh vừa đỡ tốn kém”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.
Ông cũng nhắc đến việc công tác chuẩn bị đầu tư, nếu làm tốt thì nhanh và không tốn chi phí. Công tác khảo sát thiết kế, công tác thực hiện cũng vậy. Nhiều dự án làm không tốt dẫn đến kéo dài, gây lãng phí và đó là lý do vì sao không tiết kiệm được trong đầu tư công.
Liên quan đến vấn đề đầu tư công, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cũng đặt câu hỏi về các quy định trong Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, khiến toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp... được hiểu là đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, chứ không phải là chi thường xuyên. Điều này dẫn tới tình trạng kéo dài trong thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vướng mắc ở đây có lẽ “không hẳn do Luật Đầu tư công, mà là ở Luật Ngân sách nhà nước”. Theo Bộ trưởng việc sửa chữa, nâng cấp các dự án tài sản công hiện triển khai bình thường, không vướng mắc, chỉ dự án xây mới thì phải thực hiện quy trình theo luật đầu tư công.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng cho biết, đang trình Quốc hội phương án nếu dự án dưới 15 tỷ đồng thì được thực hiện theo chi thường xuyên. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề không nằm ở số vốn, mà nằm ở tính chất khoản chi. Qua rà soát, cũng không thấy vướng mắc ở cả Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước nên Quốc hội đã quyết định bỏ nội dung này ra khỏi Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù.
Một vấn đề khác nữa đã được đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là sự chậm trễ trong triển khai các dự án ODA.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đúng là tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân, ngoài các vấn đề giống như các dự án đầu tư công khác, thì các dự án ODA thường có quy trình, thủ tục phức tạp hơn, nhất là nếu phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay.
Theo Bộ trưởng, thông thường, một dự án ODA phải mất 2 năm mới hoàn thành thủ tục, nếu phải điều chỉnh, thì phải làm lại quy trình, mất 1 - 2 năm nữa, nên mất rất nhiều thời gian.
“Vừa rồi đã sửa đổi các quy định về quy trình, thủ tục, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để làm sao hài hòa thủ tục trong và ngoài nước, vẫn đảm bảo chặt chẽ mà rút ngắn thời gian so với hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.