Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đặc khu không có UBND không trái Hiến pháp
Bộ trưởng KH-ĐT khẳng định, phương án đặc khu không có UBND và HĐND không trái hiến pháp, phù hợp với thực tế hiện nay.
Trao đổi bên hành lang QH sáng nay về việc chuẩn bị xây dựng 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu), Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây sẽ là một sân chơi mới để đón nhận những làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào VN, lan tỏa cho cả nền kinh tế và DN trong nước phát triển.
“Chủ trương đã có, giờ nhiệm vụ của chúng ta là luật hóa, tạo ra những thể chế vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Có thể không có UBND và HĐND
Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết có đặc khu nhưng việc tách thành mô hình quản lý hành chính riêng thì cần phải tính lại?
- Đây là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nên thể chế kinh tế, tổ chức hành chính cũng phải đặc biệt. Nếu không tiếp cận theo hướng đó thì rất khó thành công, thu hút được.
Hiện có 2 phương án, trong đó có phương án không tổ chức UBND và HĐND. Điều này không trái Hiến pháp, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, làm sao dành quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong điều hành hàng ngày của trưởng đơn vị.
Tuy nhiên khi ủy quyền nhiều, phân cấp, phân quyền nhiều cho trưởng đặc khu thì chúng ta phải có cơ chế giám sát đi kèm.
Ban soạn thảo, Chính phủ cũng đã tính đến phải có giám sát từ UBND, HĐND cấp tỉnh, giám sát từ các Bộ ngành TƯ theo cả chiều dọc và chiều ngang.
Có ý kiến cho rằng vị trí trưởng đặc khu hiện nay không ai muốn làm vì trách nhiệm nặng nề trong khi vị trí chơi vơi, không ra bí thư huyện ủy, không ra chủ tịch tỉnh?
- Đây là cơ chế mới, chưa có ở VN bao giờ, nên đó cũng là chuyện bình thường.
Tôi nghĩ, nếu có những thẩm quyền riêng gắn với trách nhiệm thì chắc chắn vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm được dân cử và TƯ giao.
Vậy Bộ trưởng có đồng ý phương án miễn trừ một số trách nhiệm trong đó có truy cứu trách nhiệm hình sự với các trưởng đặc khu như đề xuất của Quảng Ninh?
- Cái đó đang nghiên cứu tiếp. Có thể một số cái có thể miễn trừ trách nhiệm, một số cái thì không. Cái này phải nghiên cứu.
Nhà nước chỉ bỏ vốn mồi
Chính phủ có đặt ra mục tiêu, kết quả mà 3 đặc khu mang lại? Chúng ta kỳ vọng mô hình này đóng góp với con số ra sao?
- Chúng ta nên đưa những cái nhà đầu tư cần và thể chế của chúng ta có thể cho phép, chứ không đi theo cách tiếp cận là chúng ta có gì cho nhà đầu tư. Nếu cái mình cho nhưng người ta không muốn, không cần thì mô hình đó thất bại.
Chúng ta đã lựa chọn các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ, công nghệ cao, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, thương mại cho các đặc khu. Điều này phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và phù hợp với xu thế của quốc tế.
Các con số cụ thể liên quan đến tốc độ tăng trưởng bao nhiêu, đóng góp ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đã có trong từng đề án cụ thể.
Nguồn lực tài chính để đầu tư có khả thi không?
- Khi thành lập các đơn vị này chúng ta không đi đầu tư, mà tạo ra một không gian đầu tư, một thể chế cạnh tranh để người ta vào đầu tư, từ làm hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đến phát triển các dự án.
Tuy nhiên từ kinh nghiệm quốc tế, chúng ta tiếp cận theo hướng nhà nước sẽ hỗ trợ một phần, là vốn mồi để hình thành một số cơ sở hạ tầng ban đầu để lôi kéo, thúc đẩy nhà đầu tư.
Vậy vốn mồi có trong kế hoạch trung hạn không, thưa ông? Nhiều người băn khoăn về tính khả thi dù nhà nước chỉ bỏ ra một phần.
- Chủ yếu hiện nay đang tính từ nguồn thu để lại, các địa phương cũng phải tham gia, TƯ hỗ chỉ hỗ trợ một phần. Chúng tôi đang tính toán trong khả năng nguồn lực.
Có chuyên gia nói trong quá trình làm khi có ý kiến thì phải lùi một bước, vậy ông đã lùi bước nào chưa?
- Nói thế thì hơi khó. Phải nói đây là bộ luật rất quan trọng, rất khó, mới, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực và có phạm vị ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống pháp luật của VN.
Sự thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của chúng ta, nếu không cởi mở, nghĩ có quyền cho nhà đầu tư cái nọ, cái kia thì nhà đầu tư có một quyền rất lớn là... quyền không làm.