Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đề nghị Nhật Bản hợp tác đầu tư chip bán dẫn
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Bộ trưởng Nishimura tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giới thiệu thêm các doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học của Nhật Bản đặt văn phòng, trung tâm R&D, nhà máy sản xuất thử nghiệm (fablab) tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia
Với sự nỗ lực chung của hai quốc gia, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Việt Nam kể từ thời kỳ "Đổi mới" cho đến nay luôn giữ vững trong nhóm các quốc gia dẫn đầu. Tuy nhiên, xét chiều ngược lại, đầu tư trực tiếp Việt Nam vào Nhật Bản lại khá khiêm tốn, chỉ đạt hơn 19 triệu USD.
Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại Lễ trao giải chương trình "Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023" (Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản: Đường tới thành công) do Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức chiều 3-11.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2023 là năm đánh dấu một sự kiện đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Nhật Bản và Việt Nam vẫn duy trì tư cách là đối tác chiến lược quan trọng và không ngừng củng cố mối quan hệ đối tác tốt đẹp này trên nhiều lĩnh vực.
Trước kết quả đầu tư trực tiếp Việt Nam vào Nhật Bản lại khá khiêm tốn, Bộ trưởng cho biết phía Việt Nam cam kết sẽ quyết liệt hơn nữa trong vấn đề xúc tiến đầu tư ra nước ngoài song song với tích cực tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong nước để đón các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản. Trong đó, sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.
Mặc dù đứng trước nhiều cơ hội mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có thể tăng tốc, vươn mình mạnh mẽ, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận Việt Nam và Nhật Bản cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. "Chương trình "Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản: Đường tới thành công" được phát động trong bối cảnh mới nhiều biến động nhằm tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, tận dụng cơ hội "biến nguy thành cơ" để phát triển"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ KH-ĐT cho biết trước đó ban tổ chức đã đưa ra các "đề bài" về tối ưu hóa dung lượng pin xe điện đã qua sử dụng/hết tuổi thọ trong nền kinh tế tuần hoàn, nền tảng quản lý và giao dịch tín chỉ carbon xuyên biên giới, trợ lý ảo hỗ trợ tra cứu thông tin pháp luật của các bộ ngành…
Sau hơn 2 tháng, ban tổ chức đã nhận được gần 100 giải pháp chất lượng để tháo gỡ những nút thắt của các doanh nghiệp lớn Việt Nam và Nhật Bản, giải quyết các "đề bài" nêu trên. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các giải pháp xuất sắc đã được lựa chọn để trao giải trong ngày hôm nay. "Đây là những giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất, tiềm năng nhất, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và tạo ra giá trị thiết thực cho xã hội"- ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi trong khuôn khổ chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Bộ trưởng Nishimura tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giới thiệu thêm các doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học của Nhật Bản phù hợp có thể đặt văn phòng, trung tâm R&D, nhà máy sản xuất thử nghiệm (fablab) tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Cơ sở Hòa Lạc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH-ĐT cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa phía Nhật Bản và đề nghị Nhật Bản tiếp tục nghiên cứu hợp tác đầu tư và Việt Nam, tập trung vào những ngành trọng tâm như: Chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy thông minh, chuyển đổi số, cùng với đó là đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế.