Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: KH-CN, đổi mới sáng tạo chuyển biến chậm
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết khoa học, công nghệ (KH - CN), đổi mới sáng tạo của Việt Nam chuyển biến chậm và chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế.
Kinh tế không đạt mục tiêu nhưng quốc tế vẫn đánh giá cao Việt Nam
Thảo luận tại Quốc hội ngày 23.5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết kinh tế nước ta năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,05%.
Theo ông Mẫn, dù chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng so với các nước trên thế giới, trong bối cảnh sự phát triển ở một số nước thụt lùi, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ một số vấn đề còn băn khoăn, đó là kim ngạch xuất khẩu giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm mạnh còn 3,5%, trong khi năm 2022 là 7,2%; thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng; tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%...
"Do đó, chúng ta cần đánh giá cụ thể hơn các tác động đến tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước trong năm qua, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay: “Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2029. Chúng ta không tô hồng kết quả nhưng cũng không nên bi quan, nên tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào đến cuối năm”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết Việt Nam cũng cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch, từ tổng thể quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương... giúp nền kinh tế phát triển nhanh hơn bền vững hơn. Điểm sáng nữa là trong xuất khẩu và FDI cho thấy nền kinh tế còn nhiều cơ hội và niềm tin của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng, thị trường vàng có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng giá vé máy bay tăng cao gây ảnh hưởng đến thị trường du lịch...
Nguyên nhân của tình trạng này là Việt Nam có độ mở rất lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu và thương mại. Khi kinh tế bên ngoài biến chuyển thì ảnh hưởng đến Việt Nam lớn hơn nhiều. Chưa kể, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, đang cơ cấu lại nên cũng những khó khăn từ nội tại và có độ trễ, không thể ngày một ngày hai thay đổi được.
Về tình hình năm 2024, Bộ trưởng Dũng cho biết dự báo chung vẫn là còn rất khó khăn nhưng lại có nhiều điểm tích cực. Cụ thể, quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đang cho thấy nền tảng tương đối tốt; nhiều chính sách và các đổi mới đã và đang đẩy mạnh và ban hành rất nhanh, tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc hiện nay.
Ngoài ra, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, dù còn chậm nhưng cũng đã có dấu hiệu tích cực…
Tuy vậy, ông Dũng cũng nêu về một số thách thức như vấn đề già hóa dân số đang diễn biến khá nghiêm trọng; biến đổi khí hậu tác động rất mạnh không chỉ ở ĐBSCL mà còn các khu vực phía bắc; khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng chịu tác động.
Thêm nữa, vấn đề khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chuyển biến chậm và chưa thành động lực để thúc đẩy nền kinh tế. “Nếu KH - CN của chúng ta không tập trung đẩy mạnh thì nền kinh tế khó tăng năng suất lao động”, ông Dũng nêu.
Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới
Về giải pháp và nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tập trung vào 3 động lực: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh các động lực mới như chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
“Chúng ta cũng phải tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà ta có điều kiện tham gia sâu hơn, ví dụ chip bán dẫn”, ông Dũng nêu.
Bộ trưởng Dũng cho rằng cần cải cách cơ chế để giải quyết các ách tắc, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện để cán bộ dám nghĩ dám làm; đẩy nhanh các dự án đầu tư công quan trọng.
“Chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp, bỏ xin - cho, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm. Nếu chúng ta không đẩy nhanh các cải cách, thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể sẽ tìm đến nước khác để đầu tư”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, giúp khơi thông nguồn lực. “Tôi cho rằng không cần mới ở đâu cả, chúng ta chỉ cần giải quyết nhanh cho các dự án đang bị tắc, khơi thông được là đã thúc đẩy rất nhiều cho nền kinh tế, tạo niềm tin và nguồn lực mới”.
Ông Dũng cũng đề nghị đánh giá lại các cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương đã ban hành và áp dụng. Nếu chính sách đó đúng, trúng và hiệu quả thì nên nhân rộng cho các địa phương khác.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước ta luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới, để có những "kịch bản" chỉ đạo, điều hành một cách phù hợp, linh hoạt.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các luật liên quan đến thể chế kinh tế thị trường, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý nợ công… cũng như việc vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực hiện nay.