Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Không dám nghĩ dám làm, cứ đá lên đá xuống thì rất khó'

Doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 23/5, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quý 1/2024, mặc dù không đạt được một số chỉ tiêu kinh tế nhưng cộng đồng quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam rất cao vì những kết quả đạt được.

“Chúng ta cũng cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch, từ tổng thể quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương... giúp nền kinh tế phát triển nhanh hơn bền vững hơn. Điểm sáng nữa là trong xuất khẩu và FDI cho thấy nền kinh tế chúng ta còn nhiều cơ hội và niềm tin của các nhà đầu tư,” Bộ trưởng KH&ĐT chỉ rõ.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế. Điển hình là việc doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng đầu năm cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường (hơn 86.000 doanh nghiệp giải thể trong khi chỉ có hơn 81.000 doanh nghiệp thành lập mới).

“Đi trên đường các cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa rất nhiều. Doanh nghiệp khó khăn đồng nghĩa là lao động và người dân cũng khó khăn và nợ xấu cũng bắt đầu tăng cao,” ông Dũng nói.

Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên, song Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng có 3 nguyên nhân chính là: Niềm tin của thị trường, tâm lý xã hội và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức. Để giải quyết các rào cản đó, ông cho rằng phải tập trung xây dựng thể chế để giải quyết các ách tắc; cải cách hành chính mạnh mẽ, quyết liệt hơn và có giải pháp để cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Đề cập tới thực tiễn từ Trung Quốc, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, nhà máy ô tô Tesla ở Thượng Hải từ khi khởi công đến khi khánh thành, đi vào hoạt động chỉ đúng 11 tháng; một trung tâm thương mại lớn từ khi xây dựng và đi vào hoạt động cũng chỉ mất có 6 tháng.

“Người ta làm như vũ bão, còn chúng ta cái gì cũng xin - cho; không phân cấp, phân quyền; không dám nghĩ, dám làm, cứ đá lên đá xuống thì rất khó. Nếu chúng ta không cải cách nhanh thì nhà đầu tư sẽ đi chỗ khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo.

Liệu có ai dám nhắm mắt làm?

Trong phiên thảo luận tổ sáng 23/5 về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu cũng nêu rào cản đến từ tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy.

“Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội,” ông Thanh chia sẻ.

Các đại biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 23/5. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Các đại biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 23/5. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc là do hệ thống pháp luật còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất.

Theo bà Luyến, vì các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức có mối tương quan chặt chẽ với nhau nên hiển nhiên đa số cán bộ công chức phải giữ sự an toàn cho mình trước tiên, không dám quyết, không dám làm, không dám tham mưu khi nhận thức rõ hậu quả rủi ro về mặt pháp lý từ tình trạng trên.

"Khi quy định chưa rõ, cán bộ liều, quyết làm và nếu có sự việc xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc thì chỉ có áp dụng quy định pháp luật để xử lý cán bộ. Vậy liệu có ai dám nhắm mắt làm?,” đại biểu Luyến đặt vấn đề.

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định), cán bộ phải biết sợ sai để không làm sai nhưng không thể sợ trách nhiệm, sợ việc mình phải thực hiện. Ông đề nghị Chính phủ phải có báo cáo hàng năm, đánh giá cụ thể, có định lượng, không chung chung để xử lý nghiêm triệt để mới có thể tạo chuyển biến.

Đặc biệt, đại biểu Ba nhấn mạnh cơ quan nào có nhiều công chức trốn tránh thoái thác trách nhiệm thì cần có biện pháp chấn chỉnh, nhất là xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-khong-dam-nghi-dam-lam-cu-da-len-da-xuong-thi-rat-kho-post34909.html