Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến dòng tiền kích cầu năm 2009 không đổ vào sản xuất
Điểm bài học từ gói kích cầu đầu tư năm 2009, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh tính khả thi và cơ chế kiểm soát rủi ro trong chương trình phục hồi kinh tế.
Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguyễn Chí Dũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 11/11/2021.
Gói kích cầu năm 2009 tiếp tục được các đại biểu Quốc hội nhắc đến khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu theo yêu cầu của Chính phủ đề cập đến những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, có thể sẽ phải nới bội chi ngân sách, nới trần nợ công.
Trả lời lo ngại của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn, trong bối cảnh hiện tại, việc nới bội chi và trần nợ công trong khoảng có thể kiểm soát là cần thiết.
Theo Bộ trường, vì nếu không nới, sẽ thì không tăng trưởng, sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của không chỉ năm 2022 mà cả giai đoạn 5 năm, 10 năm, các mốc khát vọng năm 2030, năm 2045; sẽ không tận dụng được thời kỳ dân số vàng, không theo kịp cuộc cách mạng 4.0, tận dụng các FTA, lỡ nhịp các chuyển dịch mới, cấu trúc mới đang hình thành, lại tụt hậu...
“Quan điểm của tôi là nên nghiên cứu để nới bội chi và nợ công, để đạt được các yêu cầu vừa phát triển, vừa tái thiết, vừa làm tăng quy mô nền kinh tế. Khi quy mô GDP lớn lên, tự khắc tỷ lệ bội chi, nợ công sẽ giảm xuống”, Bộ trưởng làm rõ quan điểm.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đặt câu hỏi: nên chấp nhận thâm hụt ngân sách, vượt trần nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều. Câu hỏi này cũng được đại biểu gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, khi chọn phương án nới nợ công, bội chi ngân sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh rất rõ những điểm chưa làm được của gói kích cầu kinh tế năm 2009. Dù tác động của gói này là giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, đạt được mức tăng trưởng dương vào thời điểm đó, nhưng cũng để lại những hệ lụy lớn khi chính sách thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát.
“Mục tiêu của gói chính sách đó là kích cầu đầu tư, sản xuất, an sinh xã hội, nhưng không kiểm soát tốt, thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nên khi hỗ trợ lãi suất lớn, tiền không chảy vào sản xuất, mà chảy vào chứng khoán, bất động sản... Hậu quả là lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận lại gói kích cầu năm 2009.
Năm 2011, lạm phát lên tới 18%, cùng với hoạt động đầu tư dàn trải. Nhiều khoản cho vay trong gói hỗ trợ lãi suất cho đến nay vẫn chưa quyết toán xong. Nguyên nhân đã được chỉ ra là công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ, việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ thiếu đồng bộ, chính sách tiền tệ thiếu linh hoạt, các gói hỗ trợ được thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô bất ổn...
“Chúng tôi đã rút ra được 4 bài học kinh nghiệm để không lặp lại, làm cơ sở cho nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tới đây”, Bộ trưởng phản hồi với các đại biểu.
Đó là, cần chương trình tổng thể, quy mô đủ lớn, tính đến khả năng vay trả và hấp thu của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa - tiền tệ, mục tiêu hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp.
Đặc biệt là công tác kiểm soát rủi ro, giám sát thực hiện chặt chẽ các gói hỗ trợ.
“Chủ tịch Quốc hội đã đặt vấn đề là hiện giờ giải ngân chưa hết, nếu có gói kích cầu thì làm sao giải ngân được. Đúng là nếu giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục vướng mắc thì có lẽ 5-10 năm cũng chưa giải ngân xong”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ khi nói về các bài học cần rút kinh nghiệm.
Đây cũng là một trong những nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang ưu tiên, đó là thực hiện rà soát hệ thống văn bản về đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công...
Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục trong sáng mai, ngày 12/11/2021.