Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh: 'Còn nhiều dư địa rộng lớn để Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục khai thác'

'Không tờ báo nào có lợi thế, cơ hội được tiếp cận sớm, trực tiếp và thường xuyên với những thay đổi của hệ thống pháp luật như Báo Pháp luật Việt Nam. Báo cần tận dụng dư địa rộng lớn hiện có để chủ động cập nhật, truyền tải thông tin đầy đủ, chính xác đến xã hội, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận chính sách từ sớm, từ xa' - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh như vậy nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày phát hành số đầu tiên của Báo Pháp luật Việt Nam (10/7/1985 – 10/7/2025).

Vừa là thời cơ, vừa là thách thức

Cách đây 40 năm, khi Báo Pháp luật Việt Nam ra số đầu tiên với tên gọi là “Pháp luật thường thức”, với mục tiêu chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân. Khi đó, mỗi tháng chỉ có 2 kỳ báo ra. Tuy nhiên, sau 4 thập kỷ bền bỉ phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những tờ báo hàng đầu của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh giá: không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, làm cầu nối giữa Bộ, ngành Tư pháp với bạn đọc và nhân dân, Báo còn khẳng định vai trò là một cơ quan báo chí toàn diện, mang hơi thở cuộc sống, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực đến với các tầng lớp trong xã hội – từ người dân, doanh nghiệp cho đến các cơ quan, tổ chức.

Giờ đây, từ một tờ báo phát hành 2 kỳ mỗi tháng, Báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành nhật báo, phát triển trên nhiều nền tảng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, nhân ngày kỷ niệm 40 năm xuất bản số báo đầu tiên (10/7/1985 – 10/7/2025), Báo sẽ khai trương tòa soạn hội tụ – một bước tiến mạnh mẽ theo xu thế của báo chí hiện đại.

Theo Bộ trưởng, sự trưởng thành vượt bậc của Báo Pháp luật Việt Nam trong suốt 40 năm không chỉ là niềm tự hào của những người làm Báo mà còn là niềm vui chung của Bộ Tư pháp – cơ quan chủ quản – cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ và Lãnh đạo Bộ.

Nhấn mạnh Báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành một trong những tờ báo uy tín và có tâm ảnh hưởng, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhận định, trách nhiệm đặt ra cho Báo là không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để khẳng định vị thế và xứng đáng với niềm tin của bạn đọc.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang quyết tâm rất lớn trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đây là định hướng chiến lược, yêu cầu thể chế, pháp luật phải thực sự trở thành “đột phá của đột phá” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

“Tôi cho rằng, đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi Báo Pháp luật Việt Nam phải nắm bắt thật tốt để không chỉ duy trì vị thế là một trong những tờ báo hàng đầu, mà còn phấn đấu trở thành một trong những cơ quan báo chí xuất sắc nhất của Việt Nam” – Bộ trưởng nêu rõ.

Có rất nhiều chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhiệm vụ của Báo là chuyển tải kịp thời, sâu sắc các chủ trương đó đến với người dân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đất nước đang tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, và đặc biệt là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, từ xây dựng pháp luật thiên về quản lý sang xây dựng pháp luật để kiến tạo và phát triển, thì việc truyền tải những nội dung mới của pháp luật đến người dân, doanh nghiệp và cả cán bộ là rất quan trọng. Không chỉ để người dân hiểu luật, mà quan trọng là cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp cũng phải thấm nhuần pháp luật, áp dụng đúng đắn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước trong hoàn thiện pháp luật

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Báo cần tăng cường tính chiến đấu, phản biện xã hội, nhất là khi trong xã hội vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật, chưa nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Là cơ quan báo chí trực thuộc Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng văn hóa thượng tôn pháp luật, đưa tinh thần tuân thủ pháp luật trở thành ứng xử thường nhật trong xã hội.

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng hiện nay có rất nhiều dư địa để Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục khai thác. Không tờ báo nào có lợi thế, cơ hội được tiếp cận sớm, trực tiếp và thường xuyên với những thay đổi của hệ thống pháp luật như Báo Pháp luật Việt Nam do Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định rất nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” – Bộ trưởng nói.

Theo quy định hiện nay, truyền thông chính sách phải được thực hiện từ trước, trong và sau khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một không gian rất rộng, rất mới, đòi hỏi Báo phải chủ động và tận dụng tối đa để cập nhật, truyền tải thông tin đầy đủ, chính xác đến xã hội, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận chính sách từ sớm, từ xa.

Ngoài ra, nội dung báo chí cũng cần hấp dẫn hơn, không chỉ dừng lại ở việc chuyển tải các quy định, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà phải kết nối pháp luật với đời sống. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Báo không chỉ là “cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp mà còn phải là cầu nối hai chiều – đưa kiến nghị, mong muốn của người dân, doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đó là cốt lõi của một tờ báo pháp luật.

Bộ trưởng cho rằng, với xu thế hiện nay thì chuyển đổi số là tất yếu. Báo Pháp luật Việt Nam đã có bước đi rất tích cực – phát triển các nền tảng đa phương tiện, xây dựng tòa soạn hội tụ. Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hơn nữa, để các nền tảng này thực sự gần gũi, thân thiện và hấp dẫn người đọc.

Đồng thời nhấn mạnh, chuyển đổi số chỉ là công cụ, là phương tiện, cốt lõi vẫn là nội dung, là chất lượng bài viết. Muốn Báo phát triển bền vững, cần nhiều bài viết sắc bén, hấp dẫn, bám sát chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời thể hiện rõ nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Chỉ như vậy, Báo Pháp luật Việt Nam mới vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vừa khẳng định được thương hiệu và tầm vóc trong làng báo chí quốc gia

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam ra số báo đầu tiên, thay mặt Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh gửi lời cảm ơn chân thành, sự ghi nhận sâu sắc và đánh giá cao tới tất cả các thế hệ người làm Báo – từ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, phóng viên, kỹ thuật viên, người lao động của Báo Pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ.

Trải qua một chặng đường dài 40 năm, từ những ngày đầu còn đầy khó khăn, khiêm tốn về cả nguồn lực và điều kiện, các thế hệ cán bộ, phóng viên của Báo đã kiên trì, bền bỉ vượt qua mọi thách thức, xây dựng nên một tờ báo có vị thế và uy tín như ngày hôm nay.

“Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, Báo tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nắm bắt mọi cơ hội, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Bộ, ngành Tư pháp giao phó. Và trên hết, tiếp tục là cầu nối vững chắc giữa Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp với nhân dân, để lan tỏa tinh thần pháp quyền, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, thượng tôn pháp luật” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-truong-nguyen-hai-ninh-con-nhieu-du-dia-rong-lon-de-bao-phap-luat-viet-nam-tiep-tuc-khai-thac.html