Cục trưởng Cục Dân số: Muốn sinh đủ, cần chính sách thiết thực

Trong bối cảnh mức sinh tại nhiều địa phương đang giảm sâu, dân số đang già hóa nhanh, chất lượng dân số chưa cải thiện tương xứng, việc hoàn thiện khung chính sách về dân số trở thành yêu cầu cấp thiết. PNVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), để làm rõ hơn những đề xuất chính sách mới trong Dự thảo Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Xin ông cho biết các biện pháp, chính sách khuyến sinh được Cục Dân số đề xuất trong dự thảo Luật Dân số?

Ông Lê Thanh Dũng: Các biện pháp như kéo dài thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi sinh con, hỗ trợ sinh hoạt phí cho trẻ trong những tháng đầu đời, ưu tiên tiếp cận chính sách nhà ở xã hội… là những nội dung đang được Cục Dân số đề xuất đưa vào dự thảo Luật Dân số.

Các đề xuất này đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan và sẽ được thẩm định trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 10/2025.

Việc xây dựng các chính sách này xuất phát từ thực tế xu hướng giảm sinh tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với mức sinh thấp.

Đây cũng là bước cụ thể hóa Kết luận số 149-KL/TW ngày 10/4/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Tuy nhiên, việc áp dụng cụ thể biện pháp nào, thời điểm áp dụng sẽ căn cứ vào mức sinh của từng giai đoạn và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nội dung này sẽ được quy định chi tiết trong dự thảo Luật Dân số mà Cục đang chủ trì xây dựng.

PV: Có ý kiến cho rằng nên có thêm chính sách như: Hỗ trợ trông trẻ, tăng lương hưu cho người sinh đủ 2 con... Trong dự thảo Luật Dân số có đề cập những biện pháp này không, thưa ông?

Ông Lê Thanh Dũng: Ngoài các chính sách đang được đề xuất, dự thảo Luật Dân số dự kiến quy định: "Chính quyền địa phương cấp tỉnh có mức sinh thấp được quyền quyết định áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác ngoài các biện pháp đã quy định; Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết và bổ sung các biện pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ".

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế

Các chính sách đang đề xuất đều hướng đến đối tượng là phụ nữ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em, nhằm hỗ trợ chi phí sinh con, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi gia đình có thể sinh đủ 2 con theo mong muốn.

Riêng về chính sách miễn học phí, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 217/2025/QH15 ngày 26/6/2025 với nội dung miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở công lập; hỗ trợ học phí cho học sinh, trẻ mầm non tại các cơ sở dân lập, tư thục.

Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, theo khung học phí do Chính phủ quy định, nhưng không vượt quá mức thu của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

PV: Để nâng cao chất lượng dân số, theo ông, cần thêm chính sách nào?

Ông Lê Thanh Dũng: Để cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Dân số là chính sách nâng cao chất lượng dân số.

Dự thảo Luật tiếp cận theo hướng nâng cao thể chất ngay từ đầu đời, thông qua hệ thống các biện pháp dự phòng 3 cấp. Theo đó, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các cơ sở y tế do ngân sách nhà nước chi trả.

Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn và giao Bộ Y tế quy định danh mục kỹ thuật trong gói dịch vụ cơ bản, phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. Thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật bẩm sinh trước sinh và sơ sinh.

Phần lớn hoạt động sàng lọc sẽ do ngân sách nhà nước chi trả, còn điều trị sẽ tuân thủ theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Nội dung này cũng sẽ được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định thi hành Luật Dân số.

Các biện pháp này không chỉ giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, mà còn giảm tỷ lệ tật nguyền, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

PV: Theo ông, thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp gì để tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam?

Ông Lê Thanh Dũng: Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,5 tuổi (năm 2017) lên 74,7 tuổi (năm 2024). Tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam đã tăng từ 65,1 năm (năm 2017) lên 65,4 năm (năm 2021).

Những kết quả này đạt được nhờ việc triển khai đồng bộ các chính sách chăm sóc và nâng cao sức khỏe, đặc biệt là Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 (Quyết định số 1579/QĐ-TTg), với trọng tâm là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, hỗ trợ người cao tuổi thuộc diện yếu thế tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, chi phí phù hợp.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao tuổi thọ khỏe mạnh, cần triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045, với mục tiêu mọi người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, sống trong môi trường an toàn, phát triển tốt thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với mục tiêu thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PV (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cuc-truong-cuc-dan-so-muon-sinh-du-can-chinh-sach-thiet-thuc-20250710143714084.htm