Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi năm 2024
Chiều 19/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi.
Chiều ngày 19/12 (theo giờ Nhật Bản), tại Tokyo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi.
Hội nghị do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.
Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...
Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham dự đầy đủ của các Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Á - châu Phi.
Hoạt động của Thương vụ đóng góp lớn vào thành tích chung của ngành Công Thương
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Hội nghị nhằm mục tiêu đánh giá kết quả công tác Thương vụ khu vực châu Á - châu Phi thời gian qua và bàn định hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, góp phần cùng toàn ngành Công Thương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ giao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chúng ta đã đi qua cả năm 2024 trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ bên ngoài và các vấn đề nội tại của đất nước. Tuy nhiên, ngành Công Thương đã chủ động, sáng tạo, kịp thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Bộ trưởng đã thông tin và khái quát hàng loạt thành tựu nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2024 (Báo Công Thương sẽ đề cập ở phần sau của bài viết).
Nổi bật là sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu năm 2024 đều có sự phục hồi rõ nét, đạt kết quả cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,1%; trong đó chế biến, chế tạo tăng 10,5%.
Không những vậy, thị trường bán lẻ trong nước duy trì mức tăng trưởng khá cao (9,6%); mặt bằng giá cả cơ bản ổn định; nguồn cung điện, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào được bảo đảm.
Đáng chú ý, hoạt động xuất, nhập khẩu là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế với sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu, đạt kỷ lục trong nhiều năm qua (trên 402 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước/trong đó xuất khẩu sang các thị trường lớn trong khu vực đều tăng trưởng mạnh (như Tây Á tăng tới 33%, ASEAN tăng 14%, Nam Á tăng 9,4%, Nhật Bản 5%, Hàn Quốc 8%); Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trên 24 tỷ USD, tạo dư địa thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ.
“Trong các thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các Thương vụ khu vực châu Á - châu Phi - địa bàn có nhiều đối tác đầu tư FDI quan trọng và chiếm tới hơn 70% giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương và đánh giá, các Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ tại khu vực Á -Phi đã chủ động, tích cực nghiên cứu, tổng hợp tình hình thị trường và các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước sở tại để chủ động tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo Bộ, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong nước có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp và hiệu quả.
Song song đó, Bộ trưởng cũng ghi nhận các Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ cũng rất nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, xúc tiến xuất khẩu, khuyến khích thu hút đầu tư FDI, khai thác hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các hiệp định thương mại tự do và các cơ chế hợp tác song phương khác, qua đó phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Điểm lại những kết quả nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2024
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đã thông tin khái quát về một số thành tựu nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2024. Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và các địa phương, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của cả nước, nổi bật là:
Thứ nhất, tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp (như Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu…); đồng thời, đã tập trung, nỗ lực tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tham mưu ban hành cơ chế tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo thuận lợi cho sự phát triển bứt phá và bền vững ngành năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Thứ hai, các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào, không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu; bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và phụ tải điện tăng đột biến.
Thứ ba, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục trên 8,0% so với năm trước, vượt kế hoạch được giao và cao hơn nhiều mức tăng trưởng của các năm trước, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%, cao gấp hơn 3 lần mức tăng của năm 2023, khẳng định vai trò trụ cột quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ tư, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (khoảng 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (khoảng trên 23 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Thứ năm, thị trường trong nước phát triển ổn định ở mức cao, giá cả cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh (trên 20%), đưa quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Thứ sáu, công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Thứ bảy, phòng vệ thương mại tích cực, chủ động, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc, bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới
Thứ tám, đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại theo hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và bền vững; nâng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới
Dù vậy, Bộ trưởng cho rằng, kinh tế thế giới và khu vực đang có dấu hiệu khởi sắc, song dự báo tình hình thương mại toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, đặc biệt tại khu vực châu Á - châu Phi (như bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, Israel, Syria, Iran hay Hàn Quốc...) kéo theo sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và thương mại quốc tế của các nước; từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%).
Bối cảnh này đòi hỏi hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói chung và khu vực Á - Phi nói riêng phải tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên để phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Hội nghị có sự tham gia của Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ ở những địa bàn trọng yếu tại khu vực châu Á-châu Phi và đại diện các đơn vị chức năng của Bộ, do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá sâu về các nội dung:
Thứ nhất, những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (nhất là các nguyên nhân chủ quan), rút ra các bài học kinh nghiệm; đồng thời, đánh giá, nhận diện những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức tại thị trường châu Á-châu Phi thời gian tới và những thay đổi trong chính sách của nước sở tại để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia.
Thứ hai, các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thị trường và phổ biến thông tin thị trường tới các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương trong nước.
Thứ ba, các biện pháp để thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, đa đạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu.
Thứ tư, kinh nghiệm, giải pháp tăng cường khuyến khích thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ của các đối tác trong khu vực Á-Phi vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghệ số, chuyển dịch năng lượng và phát triển xanh.
Thứ năm, khả năng và giải pháp thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do/Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện với các nước trong khu vực.
Thứ sáu, đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chí, điều kiện, quy trình nhận xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ thương vụ; Những kiến nghị đề xuất khác có liên quan nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh và chỉ đạo, đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực không chỉ đối với sự phát triển của ngành Công Thương, mà còn đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn, Bộ trưởng yêu cầu, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá, làm rõ 6 nội dung trọng tâm nêu trên; đồng thời, đề xuất, khuyến nghị các giải pháp, sáng kiến xây dựng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thật sự trở thành các cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả, phục vụ tốt nhất sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và kinh tế đất nước.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Á - châu Phi...
Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...
Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...
Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...