Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại Lào: Tăng cường hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực điện và khoáng sản
Ngày 10/4/2022, trong khuôn khổ chuyến công tác Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để đồng chủ trì Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới với Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với đồng chí Đao-vông Phon-kẹo, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào nhằm tăng cường hợp tác song phương Việt Nam – Lào trong lĩnh vực điện và khoáng sản.
Tìm nguồn điện và than chất lượng cho Việt Nam
Phát biểu tại hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, Việt Nam và Lào còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực điện. Với quy mô dân số lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Xuất phát từ đây và nhu cầu hợp tác của hai bên, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2016 và Hiệp định Hợp tác phát triển các công trình năng lượng, điện và mỏ năm 2019.
Tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án. Nguồn điện từ thủy điện của Lào là nguồn ổn định, không phụ thuộc thời tiết, khí hậu nên không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 mà còn có thể sử dụng như điện "nền", giúp Việt Nam khắc phục biến thiên công suất của một số nguồn năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy chuyển đổi xanh nhanh và mạnh hơn nữa tại Việt Nam.
Để tăng cường hợp tác cung ứng điện trong thời gian tới, hai Bộ trưởng nhất trí triển khai một số biện pháp như: (i) phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước; (ii) nghiên cứu tính toán nhu cầu, các giải pháp kỹ thuật và thương mại trong liên kết lưới điện để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; và (iii) nghiên cứu, báo cáo Chính phủ hai nước xem xét tăng lượng điện cung ứng phù hợp với nhu cầu và năng lực của hai bên. Các khía cạnh môi trường cũng cần được quan tâm thấu đáo trong quá trình hợp tác cung ứng điện.
Bên cạnh nội dung cung ứng điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Đao-vông Phon-kẹo cũng đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác khai thác và cung ứng khoáng sản giữa hai nước trong bối cảnh nguồn cung và chuỗi cung ứng một số nguyên liệu như than đá, kali, niken… đang gặp khó khăn. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam và Lào hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực khai khoáng, nhất là than đá, để bảo đảm hiệu quả trong khai thác, chế biến, thương mại cũng như bảo vệ môi trường.
Đánh giá cao giá chất lượng than đá của Lào, coi đây là loại than có nhiệt trị cao, dễ phối trộn, phù hợp làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện và sản xuất đạm của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đã làm việc với một số doanh nghiệp sở hữu mỏ than trữ lượng lớn tại Lào để bàn biện pháp cung ứng than dài hạn và ổn định cho Việt Nam.
Bộ trưởng Đao-vông khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để xuất khẩu than đá từ Lào sang Việt Nam, coi đây là một hướng đi mới trong hợp tác song phương, vừa giúp Lào tối đa hóa giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên, vừa giúp thương mại song phương phát triển bền vững. Trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng, các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà đầu tư phía Lào để gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng quặng, khoáng sản của Lào sang Việt Nam.
Hai Bộ trưởng nhất trí sẽ giao các đơn vị chức năng và doanh nghiệp liên quan của hai nước triển khai ngay các nội dung mà hai bên đã thống nhất, sớm đạt được các kết quả tích cực nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962 - 05/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022).
Thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa doanh nghiệp hai bên
Bên lề chuyến công tác Viêng-chăn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã làm việc với Tổng công ty Điện lực quốc gia Lào (EDL) và Tập đoàn Phongsubthavy (PGC). Đây là các doanh nghiệp lớn của Lào, có vai trò quan trọng trong hợp tác cung ứng điện với Việt Nam thời gian qua.
Trong các buổi làm việc, sau khi nghe Lãnh đạo PGC và EDL báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao sự phát triển của PGC và EDL cũng như những đóng góp của hai doanh nghiệp này trong hợp tác cung ứng điện với Việt Nam.
Cụ thể, căn cứ các văn kiện đã được ký kết giữa hai Chính phủ, Tập đoàn PGC đã triển khai đầu tư một số dự án thủy điện tại Lào và đã ký kết một số hợp đồng cung ứng điện với Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam. PGC cũng đã triển khai đầu tư xây dựng 02 đường dây truyền tải điện trên lãnh thổ Lào để phục vụ đưa điện về Việt Nam. Các dự án đường dây này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 để bảo đảm tiến độ cung ứng điện đã cam kết với Việt Nam. EDL cũng đang phát triển rất nhanh việc liên kết lưới điện với 27 điểm đấu nối để liên kết lưới với Việt Nam, Campuchia, Myanmar…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị PGC và EDL (i) đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành sớm các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện với Việt Nam; (ii) rà soát, đánh giá lại các nguồn điện có thể cung cấp cho Việt Nam trước năm 2025 để làm cơ sở đề xuất Chính phủ hai nước xem xét tăng nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam một cách phù hợp; (iii) chủ động tham mưu cho Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam các cơ chế hợp tác phát triển năng lượng hiệu quả, hướng tới chuyển đổi xanh, sạch và bền vững.
Ngoài ra, được biết PGC đang sở hữu mỏ than có trữ lượng lớn tại Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị PGC ưu tiên cung cấp nguồn than ổn định cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch PGC vui vẻ nhận lời và bày tỏ, ngoài việc cung cấp than cho Việt Nam, PGC còn mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác các mỏ sắt, vàng, măng-gan và silicon.
Được biết, ngay sau các cuộc làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một Tập đoàn lớn của Việt Nam đã đạt được những tiến triển rất khích lệ trong việc mua khoảng 500.000 tấn than đá từ Lào. Một Tập đoàn khác cũng đang tích cực đàm phán để mua một lượng lớn quặng sắt từ Lào./.
Nguyên Minh (gửi từ Viêng chăn - Lào)