Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Bình Định
Chiều 9/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Công nghiệp, thương mại Bình Định giữ đà tăng trưởng
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước, Dầu khí và than; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công nghiệp, Công Thương địa phương, Xuất Nhập khẩu, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng Bộ Công Thương,…
Cùng tham gia với đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Về phía tỉnh Bình Định có ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành.
Báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, với sự cố gắng triển khai các phương án, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, kiểm soát thị trường, cùng các chủ trương, chính sách và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh Bình Định từng bước phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng vượt kế hoạch.
Nhìn chung, hoạt động phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh Bình Định thuận lợi là cơ bản, chủ yếu và nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, sự tập trung lãnh đạo của tỉnh và sự cố gắng nổ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại tỉnh Bình Định vẫn giữ được đà tăng trưởng khá.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Công Thương thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp; đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, qua đó đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng 9,8% so với cùng kỳ (cả nước tăng 8,5%); trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,50%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,91%; cung cấp nước quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 12,11%; công nghiệp khai khoáng tăng 13,24%. Công nghiệp chế biến chế tạo được định hướng là trụ cột phát triển chiếm tỷ trọng trên 85% và tăng 10,50%, cao hơn mức tăng chung, tiếp tục đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin, theo Phương án phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích 6.714,1 ha. Trong đó, có 07 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 2.850 ha, gồm: Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội, Becamex, KCN Nhơn Hội (Khu A) và KCN Nhơn Hội (Khu B); 02 KCN gồm Cát Trinh và Bình Nghi đang trong giai đoạn hoàn chỉnh Hồ sơ đăng ký đầu tư theo ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Chấp thuận chủ trương đầu tư; KCN Long Mỹ (giai đoạn 2), nhà đầu tư cũng đang hoàn chỉnh Hồ sơ đăng ký đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, căn cứ Quy hoạch tỉnh đến năm 2025, triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang khẩn trương triển khai các thủ tục lập quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 KCN Phù Mỹ, quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Hoài Mỹ, làm cơ sở tổ chức xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đến nay, hầu hết các KCN đã đi vào hoạt động đều được đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư,... đảm bảo các điều kiện sẵn sàng thu hút đầu tư. Riêng KCN Becamex Bình Định đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ đồng bộ và đi vào hoạt động giai đoạn 1 với diện tích 200ha, đạt 20% tổng diện tích KCN; KCN Hòa Hội 170 ha, đạt 64% tổng diện tích KCN; KCN Nhơn Hội B đã hoàn thành san nền hơn 330 ha, đạt 77%, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khoảng 29 ha, tỷ lệ khoảng 7% tổng diện tích KCN; trong 6 tháng đầu năm 2024, các KCN đã cấp mới và điều chỉnh 15 dự án, với tổng vốn đầu tư 454 tỷ đồng. Tính đến nay, các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút 328 dự án.
Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Bình Định, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 CCN với tổng diện tích 3.470 ha, bình quân 51 ha/CCN. Trong 7 tháng năm 2024 UBND tỉnh đồng ý chủ trương thành lập 04 CCN, mở rộng 02 CCN. Đến nay, có 46/68 CCN với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập; có 46/68 CCN với tổng diện tích 1.570,0 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, diện tích đất công nghiệp 1.100,1 ha; có 37/46 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 922,7 ha.
Trong 7 tháng năm 2024, đã thu hút 12 dự án được Chấp thuận chủ trương đầu tư/ Giấy chứng nhận đầu tư vào CCN với tổng diện tích 50,9 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.553 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân 129,4 tỷ đồng/dự án và 30,5 tỷ đồng/ha (Kế hoạch năm thu hút 21 Dự án). Tính đến nay, các CCN đi vào hoạt động đã thu hút 380 dự án đăng ký đầu tư với diện tích 738,2 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 80%.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định có 169 dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư với tổng vốn đầu tư 77.767 tỷ đồng. Năm 2024, dự kiến đi vào hoạt động; trong đó, có 12 dự án trọng điểm. Trong 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 25 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 4.133 tỷ đồng.
7 tháng năm 2024, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức 02 buổi làm việc trực tiếp với các hiệp hội, doanh nghiệp trên lĩnh vực ngành Công Thương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Xuất khẩu tăng trưởng khá và dự báo tiếp tục tăng
Theo báo cáo UBND tỉnh Bình Định, hoạt động kinh doanh thương mại, lưu thông hàng hóa được tổ chức thông suốt; nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được đảm bảo. Đặc biệt, hệ thống phân phối cung ứng dịch vụ thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng được quan tâm đầu tư tạo điều kiện cung ứng đầy đủ hàng hóa cho bà con nâng cao hiệu quả thực hiện hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tốt lực lượng hàng hóa, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt, giá cả hấp dẫn đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân; bên cạnh việc thực hiện phương án bình ổn thị trường Tết nên không xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hóa.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2024 của Bình Định ước đạt 69.205 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, đạt 60,3% kế hoạch năm (114.700 tỷ đồng).
Hoạt động xuất khẩu của Bình Định cũng có sự tăng trưởng khá, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… và những nỗ lực trong việc đẩy mạnh xúc iến thương mại ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp xuất khẩu để mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu khác.
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm (1.650 triệu USD).
Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng năm 2024 ước đạt khoảng 250,5 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động một số hạ tầng thương mại. Về chợ, tổng số chợ hiện có trên địa bàn tỉnh là 184 chợ (trong đó có 12 chợ hạng I, 21 chợ hạng II và 151 chợ hạng III); 04 Trung tâm Thương mại và 08 siêu thị; có 330 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động phân bổ đều tất cả các tuyến đường Quốc lộ, đường Tỉnh, đường liên xã; theo khu vực đồng bằng, trung du, miền núi cũng đã có cửa hàng xăng dầu cung cấp nhiên liệu thuận tiện cho người dân địa phương.
Phấn đấu hoàn thành Xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2030
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh trong 7 tháng năm 2024 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số sản phẩm có giá trị lớn nhưng giảm như: thủy sản, tinh bột sắn, dăm gỗ, gạch xây dựng… do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, đặc biệt chi phí logistics xuất khẩu tăng rất cao; chưa có nhiều đơn hàng mới với số lượng lớn được ký kết, khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới...
Hạ tầng kỹ thuật nói chung, CCN xây dựng nói riêng chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chưa sẵn sàng đáp ứng thu hút đầu tư sản xuất ở từng địa phương, từng CCN cụ thể, nhất là các CCN do các đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa được chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật quan tâm đúng mức; tỷ lệ lấp đầy một số CCN đã thành lập và đi vào hoạt động còn thấp.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất nhỏ, chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu hàng hóa. Nên gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất theo mùa vụ, chưa sản xuất quy mô lớn, chưa hình thành liên kết theo chuỗi giá trị trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên số lượng cung cấp không đáp ứng nhu cầu khi mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sáng nhà nước nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh.
UBND tỉnh Bình Định phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng cuối năm 2024 ước tăng từ 7,5 - 7,7% để cả năm 2024 đạt 8 - 9% so với cùng kỳ (đạt 100% kế hoạch năm). Dự báo năm 2025, IIP ước đạt 8,5 - 9,5%; giai đoạn 2021-2025 IIP ước đạt 8%.
Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các tháng cuối năm 2024 ước đạt 45.500 tỷ đồng để cả năm 2024 đạt 114.700 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2023 (đạt 100% kế hoạch năm).
Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu các tháng cuối năm 2024 ước đạt 668 triệu USD để cả năm 2024 đạt 1.650 triệu USD (đạt 100% kế hoạch năm). Dự báo năm 2025 KNXK ước đạt 1.700 triệu USD; giai đoạn 2021-2025, KNXK của Tỉnh đạt 7.900 triệu USD (vượt chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ giao trên 6.000 triệu USD).
Thời gian đến, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đổi mới về tư duy, nhận thức, cách hiểu, cách làm của cả hệ thống chính quyền theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; tăng cường tính chủ động, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể thực hiện có hiệu quả các giải pháp năm 2024 để đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đề nghị các cấp, các ngành tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt được tình hình sản xuất kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo ra giá trị mới về sản xuất công nghiệp năm 2024. Đảm bảo cung ứng điện ổn định phục vụ tốt cho phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp; tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hoàn thành Xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2030; xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Phương án phát triển CCN tỉnh Bình Định đến năm 2030.
Tiếp tục phát triển các hoạt động thương mại. Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh và các mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ. Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn; hoàn thiện hệ thống chợ truyền thống trên cơ sở nâng cấp các chợ hiện có, khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tiếp tục triển khai công tác thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, RCEP tạo điều kiện thuận lới cho việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông sản và thủy sản sang các nước thành viên của các hiệp định này.