Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm nhiệm vụ để Viện Nghiên cứu Cơ khí tiếp tục phát triển bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, qua 63 năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển ngành cơ khí - tự động hóa nước nhà, giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Chiều 4/7/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME)

Chiều 4/7/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME)

Từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành

Phát biểu tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí chiều nay (4/7), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, những năm qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đoàn kết, năng động, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tích, kết quả nổi bật.

Trước hết, Viện đã từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển ngành cơ khí - tự động hóa nước nhà - một ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, “xương sống”, giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.

Thứ hai, Viện cũng đã làm khá tốt vai trò tư vấn chính sách, tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành (hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành) các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn - quy chuẩn - định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành cơ khí, chế tạo máy.

Đặc biệt, gần đây Viện đã hoàn thành và trình Bộ để xem xét, thông qua Đề án phát triển thiết bị cơ khí điện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo thuận lợi cho ngành cơ khí trong nước tham gia vào chuỗi cung cấp các thiết bị cho ngành sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Thứ ba, Viện không chỉ thực hiện tốt công tác nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ nền, mà còn chủ động, tích cực ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn đời sống; làm chủ được công nghệ, công tác thiết kế, chế tạo trong một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng, then chốt như: thiết bị cơ khí thủy công, các hệ thống thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, ô tô - xe máy, năng lượng mới, công nghệ cao, tự động hóa quá trình sản xuất…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển ngành cơ khí - tự động hóa nước nhà

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển ngành cơ khí - tự động hóa nước nhà

Thứ tư, công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh chuyên ngành cơ khí - tự động hóa tại Viện được triển khai thực hiện khá tốt, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Ngành, của đất nước.

Thứ năm, công tác xây dựng, phát triển Đảng và củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể tại Viện được chú trọng. Đảng bộ Viện được Đảng Bộ cấp trên đánh giá là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liên tục.

Thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, thành tựu mà Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đạt được trong 63 năm qua, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Phải có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho cán bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra, Viện nghiên cứu Cơ khí cũng còn những tồn tại, hạn chế cần chú trọng khắc phục. Việc quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Công Thương có lúc, có việc còn chưa tốt, vì thế trong tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Tính chủ động và chất lượng tham mưu cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Ngành còn hạn chế.

Trình độ cán bộ khoa học công nghệ của Viện chưa đồng đều (nhất là khả năng ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới); kinh nghiệm và năng lực giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ phát sinh trong thực tế còn hạn chế nên hiệu quả ứng dụng một số đề tài nghiên cứu vào thực tiễn còn thấp, chưa được như kỳ vọng.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng, có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là một số lãnh đạo Viện và lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện chưa quán triệt, sâu sắc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, cơ chế có liên quan đến Ngành Công Thương và lĩnh vực cơ khí, nhất là các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân…, dẫn tới còn lúng túng, chưa chủ động tham gia vào các chương trình, dự án lớn của Quốc gia và của Ngành, chưa chủ động tham mưu cho Bộ có những hoạch định về đường lối, tổ chức thực thi các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, tinh thần học tập nâng cao trình độ của một số cán bộ, viên chức của Viện chưa thật cao; một bộ phận cán bộ, viên chức yếu về ngoại ngữ, khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ, giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ phát sinh trong thực tế còn hạn chế; một số đề tài nghiên cứu giá thành còn cao dẫn đến khó ứng dụng vào thực tiễn.

“Viện phải có chiến lược, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho cán bộ cả ở trong nước và nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc phối hợp trong công tác giữa các đơn vị trong Viện với nhau và với các đơn vị thuộc Bộ với Viện hay các đơn vị có cùng chức năng chưa thật tốt, hiệu quả chưa cao, nhất là trong công tác tham mưu hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển Ngành.

Năm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển bền vững

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang đến nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đầy rẫy khó khăn, thách thức.

Ngành cơ khí, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, bởi nó không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu các tác động bất lợi từ biến động bên ngoài, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nói chung, ngành cơ khí, chế tạo nói riêng, đặc biệt là bộ tứ nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thông qua chủ trương đầu tư hàng loạt các dự án, công trình lớn của quốc gia như điện hạt nhân Ninh Thuận, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh; các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là trong lĩnh vực xăng dầu, khí đốt, năng lượng, điện lực,…

“Đó cũng đồng thời là dư địa mới mà Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng như các viện nghiên cứu thuộc Bộ cần nghiên cứu để từ đó tự đặt ra cho mình các nhiệm vụ, mục tiêu và đưa ra những giải pháp để phấn đấu thực hiện”, Bộ trưởng nói, khẳng định đây là những nhân tố rất thuận lợi, tạo động lực quan trọng để các doanh nghiệp cơ khí trong nước và các đơn vị trong lĩnh vực này phát triển.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện nghiên cứu Cơ khí cũng như các Viện nghiên cứu thuộc Bộ phải gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chủ chốt và các ngành công nghiệp mới nổi, công nghiệp công nghệ cao; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

Với yêu cầu đó, để Viện nghiên cứu Cơ khí tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của Ngành và đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Viện chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định, chính sách của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương nói chung và lĩnh vực cơ khí - tự động hóa nói riêng; đặc biệt là: Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Các Nghị quyết số 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030…

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như Đảng ủy, Ban lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể); đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; giữ gìn đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Viện Nghiên cứu Cơ khí tập trung vào những giá trị cốt lõi, phát huy thế mạnh đặc thù nhằm xây dựng và phát triển Viện trở thành Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Viện Nghiên cứu Cơ khí tập trung vào những giá trị cốt lõi, phát huy thế mạnh đặc thù nhằm xây dựng và phát triển Viện trở thành Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế

Hai là, tập trung thực hiện tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hệ thống quản trị hiện đại để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện; trong đó, cần tập trung vào những giá trị cốt lõi, phát huy thế mạnh đặc thù nhằm xây dựng và phát triển Viện trở thành Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn chính sách, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược phát triển ngành và phát triển đất nước. Tiên phong trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là đối với các công nghệ nguồn trong lĩnh vực Viện có thế mạnh; chủ động, mạnh dạn tham gia vào các ngành, các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp mới nổi, có tiềm năng tăng trưởng cao và có thể thay đổi được cách thức hoạt động của ngành công nghiệp khác, như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, ô tô tự lái, trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ đường sắt, sản xuất vật liệu mới, công nghệ sinh học..., góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị sản xuất trong nước, thúc đẩy cơ khí tự động hóa Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại.

"Mục tiêu hội nhập không thể chỉ đo đếm bằng số các hiệp định thương mại tự do được ký, bằng số các dự án FDI được thu hút hay bằng kim ngạch xuất khẩu tăng đều đặn, thậm chí tăng cao qua từng năm; mà cần phải đo đếm bằng khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, của các đơn vị chức năng Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Công Thương đặt vấn đề, đề nghị Viện Nghiên cứu Cơ khí suy nghĩ về vấn đề quan trọng này để thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình.

Bốn là, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng đẩy mạnh gắn kết với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Hôm nay mấy ông bạn lớn, mấy bạn chung chung ngồi đây cả, cố gắng phải hợp tác chặt chẽ hơn.

"Mọi hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với sản xuất, bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm khoa học công nghệ thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh trong ngành và cả nước, được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn, giúp các doanh nghiệp trong ngành từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đồng thời, Viện cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ, năng lực chuyên môn cao và tăng cường đầu tư khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, tiến tới làm chủ các công nghệ mới, đặc biệt các công nghệ của cách mạng 4.0.

Từng bước hình thành các tài sản trí tuệ (gồm các sáng chế, giải pháp hữu ích) để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm thông qua việc liên doanh góp vốn, mở rộng sản xuất bằng tài sản trí tuệ.

Năm là, tăng cường hợp tác với các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo có uy tín cả trong và ngoài nước, trong và ngoài ngành để trao đổi, chia sẻ, hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến của khu vực và quốc tế, phù hợp với xu thế hội nhập và sự phát triển công nghiệp 4.0.

Tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh về chuyên ngành cơ khí, tự động hóa và các chuyên ngành công nghiệp nền tảng chủ chốt khác, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Viện, của ngành và của đất nước.

Về những kiến nghị, đề xuất của Viện tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đây không chỉ đơn thuần là kiến nghị của Viện, mà nếu giải quyết được các kiến nghị này, đáp ứng được mong mỏi của đơn vị thì Viện sẽ đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển chung của Ngành, của đất nước. Do đó, đề nghị các Vụ, Cục liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp rà soát, thẩm định, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình, khả năng thực tế của Viện.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao cờ thi đua của Bộ Công Thương cho Viện Nghiên cứu Cơ khí vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam năm 2024.

Đồng thời, trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Cơ khí nặng, Viện Nghiên cứu Cơ khí vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023 - 2024.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien--nam-nhiem-vu-de-vien-nghien-cuu-co-khi-tiep-tuc-phat-trien-ben-vung-142476.htm