Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm, làm việc tại Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam
Chiều 15/8/2024, trong khuôn khổ chuyến làm việc tại tỉnh Bắc Kạn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam (KCN Thanh Bình, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn).
Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam được thành lập từ tháng 3/2019, có tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng với 100% vốn Trung Quốc, chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ ván ép, ván sàn... xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ.
Số lượng công nhân lao động trực tiếp tại nhà máy ở KCN Thanh Bình, Bắc Kạn hiện có khoảng hơn 300 người, chủ yếu là công nhân địa phương, thu nhập lao động khoảng 6-15 triệu đồng/người/tháng.
Cả năm 2023, doanh thu của Lechenwood Việt Nam đạt 78,9 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu thu về 33,35 tỷ đồng. Song, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2024, Công ty đã ghi nhận doanh thu 121,99 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 112,80 tỷ đồng, tăng lần lượt 154,56% và 338,25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo Lechenwood Việt Nam, việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có mặt hàng của Công ty, dẫn đến việc khách hàng hủy đơn hàng một loạt, doanh nghiệp chỉ có thể sản xuất tiêu thụ trong nước với lượng không đáng kể.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sớm có kết luận về việc rà soát nguồn gốc hàng hóa liên quan vụ chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam để đảm bảo mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Mặt khác, Lechenwood Việt Nam cũng mong được tạo điều kiện kết nối cho doanh nghiệp có cơ hội được xuất khẩu hàng qua các thị trường tiềm năng khác.
Ngoài ra, Công ty cũng trao đổi về một số khó khăn liên quan đến việc hoàn thuế và hồ sơ nguồn gốc lâm sản.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã đến thăm Nhà máy luyện kim phi cốc (nhà máy sắt xốp) tại KCN Thanh Bình do Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim) làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là đại diện cổ đông chi phối.
Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 490 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2009-2013, hoạt động từ tháng 3/2013 đến cuối năm 2015, sau đó dừng hoạt động cho tới nay. Như vậy, nhà máy đã dừng hoạt gần 10 năm.
Theo báo cáo, nguyên nhân chính khiến nhà máy ngừng hoạt động là do thời điểm đi vào sản xuất, thị trường sắt thép thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giá thành sản xuất cao hơn giá bán và các nhà máy thép ở Việt Nam không có thói quen sử dụng sắt xốp trong sản xuất thép.
Cũng trong chiều 15/8, Đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn.
Buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn nhằm nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả để địa phương khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn.
Sáng cùng ngày (15/8), đoàn công tác đã đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và thăm, thị sát nhà máy Dệt may TNG.
Tiếp nối chương trình, chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đến làm việc trực tiếp với các địa phương trong tháng 8/2024. Trước đó, ngày 7-9/8, Bộ trưởng đã đến làm việc tại 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định và thăm, thị sát một số cơ sở kinh tế, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.