Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần có vai trò rộng lớn hơn nữa trong dòng đổi mới'

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: 'Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đóng góp nhiều nhưng phải đóng góp nhiều hơn nữa, đã nhập cuộc nhưng phải nhập cuộc nhiều hơn nữa, cần có vai trò rộng lớn hơn nữa trong dòng đổi mới'.

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 15.5.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 15.5

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 15.5

Cần quan tâm đến khoa học cơ bản để làm nền tảng đào tạo giáo viên

Vấn đề trọng tâm được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại buổi làm việc liên quan đến vai trò, vị trí và những việc cần làm của trường trong đổi mới, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Theo Bộ trưởng, đặt trong toàn bộ hệ thống, xu thế vận hành của ngành, đất nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang có nhiều lợi thế, thuận lợi cho sự phát triển - với trị trí là trường sư phạm trọng điểm của cả nước, là đơn vị then chốt, quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo, trong khi đó, chính sách của Đảng, Chính phủ đều đặt giáo dục và đào tạo ở vị trí rất quan trọng.

Từ góc độ lợi thế đến từ công cuộc đổi mới giáo dục đang diễn ra, Bộ trưởng phân tích, ngành Giáo dục đang đổi mới, chuyển đổi và muốn làm được phải đổi mới, phát triển lực lượng giáo viên. Phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo chính là nền tảng, đột phá, yếu tố quan trọng để đổi mới giáo dục và đào tạo. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có vai trò hàng đầu trong phát triển đội ngũ này.

“Nhu cầu học tập ngày càng lớn và đa dạng của người học cũng là cơ hội cho nhà trường. Cùng với đó là sự quan tâm của Nhà nước đối với hệ thống đào tạo giáo viên. Trong bối cảnh tự chủ, trường sư phạm vẫn được Nhà nước hỗ trợ thông qua người học và cơ chế đặt hàng”. Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời nhấn mạnh việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần điều chỉnh góc nhìn, nhận diện vị trí, vai trò của nhà trường, qua đó xác định sứ mệnh, trách nhiệm với ngành.

Khẳng định Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã làm được nhiều việc trong những năm qua, song Bộ trường cũng nhìn nhận, trường cần phải đóng góp nhiều hơn nữa, đã nhập cuộc nhưng phải nhập cuộc nhiều hơn nữa, cần có vai trò rộng lớn hơn nữa trong dòng đổi mới.

Nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, Bộ trưởng cho rằng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần thực sự bao quát toàn bộ hoạt động khoa học giáo dục, lĩnh vực giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Chia sẻ về mô hình đào tạo giáo viên phổ biến hiện nay trên thế giới là từ các ngành cử nhân cộng với nghiệp vụ sư phạm được huấn luyện đầy đủ, trước khi hành nghề có sát hạch chứng chỉ hành nghề và so sánh với mô hình đào tạo theo hướng truyền thống chuyên sâu sư phạm, Bộ trưởng gợi mở việc cần xem xét rất thực tế mô hình đào tạo năng động, giàu sức sống, phù hợp với thời kỳ thiết kế mô đun hóa hiện nay.

“Nếu đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, chúng ta sẽ đào tạo được hệ thống rất nhiều ngành nghề, cộng với nghiệp vụ sư phạm. Theo mô hình này, toàn bộ hệ thống của trường sẽ năng động, giàu sức sống, phù hợp với cách tổ chức đào tạo mới, với mô hình các trường đại học trong thời kỳ hiện đại”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Luật Nhà giáo đang được xây dựng theo hướng đội ngũ nhà giáo được hình thành bằng nhiều cách, qua nhiều con đường, từ đó giúp cho việc điều chỉnh đội ngũ có thể nhanh chóng và giúp toàn ngành năng động hơn.

Trong việc đổi mới mô hình đào tạo, Bộ trưởng lưu ý, cần quan tâm đến khoa học cơ bản để làm nền tảng đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm một số lĩnh vực đào tạo khác theo hướng đa ngành. Khi đào tạo như vậy, việc tuyển sinh sẽ rộng mở hơn, có nguồn lực lớn hơn để phát triển nhà trường, việc xây dựng đội ngũ cũng sẽ khác, tư duy trong nghiên cứu, đào tạo của các thầy cô cũng sẽ có điều chỉnh.

“Từ khóa với chúng ta là hai chữ “năng động”, phải năng động hơn nữa”, Bộ trưởng nói.

Lưu ý một số vấn đề cụ thể, trước mắt, Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần rà soát lại chiến lược của nhà trường, kiện toàn đội ngũ; sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Bộ GD-ĐT, quan tâm hướng nghiên cứu có tính đánh giá thực tiễn, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản…

Bộ trưởng đồng thời trao đổi cụ thể về một số kiến nghị của nhà trường liên quan đến thành lập tổ chức kiểm định riêng cho khối sư phạm, đào tạo bằng tiếng Anh, đào tạo THPT chuyên, cơ sở vật chất…

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách trong đào tạo bằng tiếng Anh và nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo sinh và nêu 3 nhóm đào tạo giáo viên cần tăng cường là nhóm giáo viên dạy tiếng dân tộc, giáo viên dạy các môn học mới, giáo viên dạy tiếng Việt.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục

Tại cuộc làm việc, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường thời gian qua và khái lược chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2025-2030. Một số khó khăn, thách thức đặt ra và kiến nghị cũng được Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ với mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ GD-ĐT.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu

Theo đó, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục với 2 nhóm đối tượng chính.

Thứ nhất, kiểm định các cơ sở đào tạo giáo viên và chương trình đào tạo giáo viên các cấp. Chức năng này có tính chuyên sâu, phù hợp với chiến lược phát triển hệ thống Đảm bảo chất lượng theo Quyết định 78/QĐ-Ttg ngày 14.1.2022 phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm đến năm 2030” của Thủ tướng chính phủ.

Thứ hai, kiểm định chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông (thí điểm) để thực hiện NQTW 29 “Xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, đào tạo” và Luật giáo dục 2019, “ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và quy định trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên”.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho biết, hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đáp ứng các điều kiện để thành lập trung tâm và đã xây dựng xong đề án.

Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện bổ sung quy hoạch và cho phép thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng và An ninh với hức năng đào tạo giáo viên Quốc phòng - An ninh, đào tạo các học phần Quốc phòng cho sinh viên, Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Quốc phòng - An ninh; đào tạo các đối tượng khác.

Khoa Quốc phòng - An ninh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập tháng 12.1982, đã đào tạo 600 sinh viên tốt nghiệp. Hiện trường tự chủ về giáo dục quốc phòng với các điều kiện đáp ứng yêu cầu tại phân hiệu Hà Nam.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn đề xuất Bộ GD-ĐT hỗ trợ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kết nối với một số tỉnh thực hiện thí điểm Mô hình bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ phát triển nghề nghiệp - phát triển mô hình ETEP; để Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, tổ chức (thí điểm) đánh giá và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho người nước ngoài ở nước ngoài.

Đồng thời, đề xuất Bộ cho phép thí điểm các phương án tài chính: tính bù kinh phí cho các phần khối lượng cao hơn so với chương trình đại trà. Với các hệ tiên tiến (CLC): cao hơn so với đại trà 5 tín chỉ/1 chương trình. Hệ đào tạo giáo viên dạy học bằng tiếng Anh: cao hơn so với chương trình đại trà 19 tín chỉ. Xem xét hỗ trợ tài chính cho trường chuyên (hiện nay kinh phí cho trường chuyên chỉ đáp ứng 1/4 tổng kinh phí hoạt động của trường). Đầu tư cơ sở vật chất cho các khu nhà đã quá cũ (A2, 3, 4).

Nhật Hồng - Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/bo-truong-nguyen-kim-son-truong-dai-hoc-su-pham-ha-noi-can-co-vai-tro-rong-lon-hon-nua-trong-dong-doi-moi-i371852/