Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và 4 chữ 'kiên' gửi các nhà giáo
Tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh, chúng ta muốn có sự phát triển bền vững, chúng ta cần phải bền trí và cần kiên định.
Chiều ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc gặp gỡ với các giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học, trường cao đẳng trên cả nước.
Phát biểu kết thúc chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục đại học.
Giáo dục đại học còn bộn bề công việc cần làm
Theo Bộ trưởng Sơn, giáo dục đại học thể hiện tầm vóc, trí tuệ con người của một đất nước, trình độ khoa học và công nghệ và biểu hiện của sự sở hữu nhân tài của đất nước. Không một quốc gia nào phát triển mà không cần đến một nền giáo dục đại học phát triển.
Phát triển giáo dục đại học là một bài toán khó, phức tạp, lâu dài và nhiều thách thức so với giáo dục phổ thông.
Là một phần của giáo dục, giáo dục đại học đang trong thời kỳ chuyển đổi, chuyển đổi từ mô hình, cách thức tổ chức quản trị, cách thức quản lý nhà nước, về chuyển đổi của hoạt động phương pháp dạy và học, chuyển đổi về sử dụng nguồn lực…
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới đặt ra đối với các trường đại học. Các trường phải đóng vai trò là động lực của vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… Trách nhiệm của các trường đại học càng đi vào thời hiện đại càng có vai trò lớn. Giáo dục là một đột phá chiến lược thì trong mũi nhọn của đột phá chiến lược đó là giáo dục đại học.
Bộ trưởng gửi lời cảm ơn đến các nhà giáo, các nhà khoa học, các đồng nghiệp của khối giáo dục đại học bởi những đóng góp to lớn góp phần phát triển giáo dục đại học.
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, chỗ dựa quan trọng nhất của ngành chính là các nhà giáo. Đối với giáo dục đại học, các nhà khoa học không chỉ là chỗ dựa của ngành giáo dục mà còn là nguồn lực, niềm tự hào của quốc gia. Do vậy, nhiệm vụ chăm sóc, phát triển đội ngũ các nhà khoa học là một việc đặc biệt quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Chúng tôi ý thức được trách nhiệm và nhiệm vụ quan trọng này và đang từng bước cố gắng làm mọi việc để có thể phát triển được đội ngũ nhà giáo, đội ngũ các cán bộ khoa học”, Bộ trưởng Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, còn một chương trình chưa triển khai được nhiều là nhiệm vụ bồi dưỡng, phát hiện bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.
Việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài hàng đầu, đầu tiên thì phải nhắc đến vai trò, trách nhiệm của các trường đại học.
Ở thời điểm này, ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học đã và đang đạt được những kết quả rất quan trọng qua một số thông số.
Giáo dục đại học đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng nhất là từ khi triển khai tự chủ đại học.
Theo Bộ trưởng, so với 10 năm trước, số lượng sinh viên tăng xấp xỉ 40%. Hiện nay chúng ta có xấp xỉ 2,1 triệu sinh viên đại học và 120.000 học viên sau đại học. Đây là 1 con số gia tăng rất đáng kể.
Số lượng sinh viên nhập học đại học tăng khá nhanh trong vài năm gần đây cho thấy sự gia tăng trở lại của niềm tin người học và xã hội về chất lượng đào tạo.
Các số liệu thống kê khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy sự cải thiện chất lượng trên diện rộng. So với 10 năm trước đây thì chất lượng giảng viên tăng khoảng 30% (đây là con số rất đáng kể); tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần (hiện nay đạt xấp xỉ 32% ).
Bộ trưởng nhìn nhận, so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á thì chỉ số này còn rất thấp. Một số các quốc gia trong Đông Nam Á tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đã đạt từ 50% trở lên cho nên con số 32% còn rất khiêm tốn. Điều này đặt ra cho chúng ta nhiều nhiệm vụ quan trọng phía trước.
Số các công bố khoa học quốc tế trên 1 giảng viên tăng gần gấp 5 lần so với 10 năm về trước, tuy nhiên so với bình quân đầu người vẫn còn khá thấp trên bản đồ công bố thế giới.
Người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ, nhìn lại 10 năm, ngành giáo dục đã có bước phát triển rất dài. Tuy nhiên, trước yêu cầu của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao, trước yêu cầu của phát triển về Khoa học công nghệ và kỹ thuật thì tốc độ phát triển đó chưa đáp ứng yêu cầu.
Nếu không cùng nhau để tháo gỡ, thoát ra những điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn, mạnh và bền vững hơn nữa thì một là chúng ta sẽ chậm lại so với tốc độ phát triển của thế giới và sẽ rất khó khăn đạt đến những đỉnh cao của một số trường, một số nghề cũng như chất lượng đào tạo .
“Cùng nhau tháo gỡ những điểm thắt nút được xem là một công việc rất quan trọng của toàn thể chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, còn rất nhiều việc cần sớm hoàn thành như việc quy hoạch và sắp xếp hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục, đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ; Tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia để làm hạt nhân hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường đại học, có sự cải thiện về nguồn tài chính và ngân sách cho giáo dục đại học,...
Về vấn đề thể chế, lãnh đạo Bộ cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện và mở đường làm căn cứ cho việc đổi mới giáo dục nói chung và việc thực hiện tự chủ đại học theo chiều sâu trong thời gian sắp tới. Hay còn rất nhiều công việc đang chờ ở phía trước như đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển mô hình giáo dục đại học số và việc đào tạo giáo viên hệ sư phạm…
Trí thức chỉ có một, không có trí thức công và trí thức tư
Cuối bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đôi điều chia sẻ về sự kỳ vọng đối với các nhà giáo, các nhà khoa học trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, một trong những vấn đề trọng tâm được các ý kiến quan tâm và dư luận xã hội quan tâm là vấn đề tự chủ đại học. Đối với các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học, dù là mức độ tự chủ khác nhau như thế nào cũng cần tìm hiểu sâu thêm và thực hiện cho đầy đủ các quyền tự chủ của đại học đối với một giảng viên trong các cơ sở giáo dục.
Về tự chủ đại học đối với giảng viên, cần có những phương diện tự chủ của người giảng viên, cần hiểu và phát huy cho được điều này. Cần tham gia tích cực trong việc xây dựng những quy tắc, nguyên tắc hoạt động nội bộ, những định hướng chiến lược của nhà trường cũng như lựa chọn định hướng chuyên môn về chương trình đào tạo, các chính sách về tuyển sinh…
Tự chủ không chỉ dừng ở hội đồng trường, ở hệ thống quản lý mà tự chủ phải xuống tới cấp khoa, cấp bộ môn tới tận giảng viên, tới tận từng nhà khoa học. Đây là việc quan trọng để phát triển lực lượng các nhà khoa học, giải phóng sức sáng tạo và xây dựng một môi trường thuận lợi cho các nhà giáo làm việc và phát huy.
Đối với các nhà khoa học, các giảng viên, Bộ trưởng chia sẻ niềm hy vọng các nhà khoa học đã giỏi thì giỏi hơn nữa, vì sự giỏi không có giới hạn, mà so với thế giới thì chúng ta còn phải phấn đấu nhiều nữa.
Trong bối cảnh cơ hội giao lưu về học thuật ngày càng được mở rộng, Bộ trưởng hy vọng sẽ có thêm nhiều những nhà khoa học giỏi hơn nữa, những chuyên gia đầu ngành đóng vai trò là chỗ dựa trụ cột để phát triển khoa học công nghệ. Bởi chỉ có phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt các khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn công nghệ thì mới có thể có những cải thiện thực sự về chất lượng giáo dục trong thời gian sắp tới.
“Mong rằng đây là sự phấn đấu của cá nhân, ý chí của cá nhân nhưng cũng cần tới các chính sách của các cơ sở giáo dục. Một trong các quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục là phát triển đội ngũ, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển những chuyên gia - niềm tự hào của các cơ sở giáo dục.
Trên thế giới, cơ sở giáo dục đại học sẽ không kể có bao nhiêu phòng học, có bao nhiêu mét vuông, bao nhiêu gốc cây. Mà họ sẽ kể rằng trường tôi có những những chuyên gia hàng đầu nào mà thế giới biết tiếng, trường tôi có những giải thưởng khoa học, sinh viên của chúng tôi có ai thành đạt. Mà muốn có học sinh xuất sắc thì không thể không có các thầy xuất sắc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cần thêm thầy giỏi đầu ngành dẫn dắt là một ao ước của tất cả chúng ta, đất nước cần thêm những người như vậy. Trong nghiên cứu giảng dạy, mong nhà giáo chúng ta nâng cao tinh thần gắn bó mật thiết với thực tế cuộc sống, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia, tinh thần gánh vác trách nhiệm của tầng lớp tri thức.
Các nghiên cứu quốc tế, công bố quốc tế là đẳng cấp, đó là phương pháp, trình độ. Công bố quốc tế rất quan trọng nhưng chúng ta cần cả những công trình giải quyết được những vấn đề nóng của đất nước, những công bố để cho người Việt đọc, và những ứng dụng để giải quyết những vấn đề của thực tiễn.
Đấy là điều đòi hỏi về trách nhiệm xã hội của chúng ta, là bản chất của trí thức. Trí thức chỉ có một. Không có trí thức công và trí thức tư, chỉ có chỗ làm thì công tư, nhưng trách nhiệm xã hội của người trí thức thì không có có công có tư.
Các nhà giáo, các nhà khoa học cũng cần phát huy hơn nữa trách nhiệm đối với ngành giáo dục của chúng ta. Giáo dục đang đổi mới, đặc biệt giáo dục phổ thông đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, chúng ta cần phải tham gia trong việc xây dựng chính sách, trong đào tạo giáo viên, trong việc tư vấn các giải pháp cho Bộ. Đây cũng là trách nhiệm của chúng ta đối với giáo dục thế hệ học sinh phổ thông. Các nhà giáo cũng cần phải làm tốt công tác truyền thông, tự truyền thông và có sự ứng xử phù hợp trên mạng xã hội để phù hợp với nghề nghiệp, vừa là sự mẫu mực của nhà giáo vừa là một nhà khoa học.
Về vấn đề Bộ sẽ làm gì để chăm lo cho lực lượng nhà giáo trong thời gian sắp tới, tư lệnh ngành giáo dục khẳng định có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc mong muốn làm, và sẽ có những việc sẽ làm sớm, có việc cần phải cần thời gian.
Trong đó, việc phải làm sớm là tháo gỡ các khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới. Hiện Bộ Giáo dục đang sửa Nghị định 99 và trong thời gian sớm nhất cũng sẽ có điều chỉnh đối với Luật 34.
Bộ sẽ nghiên cứu gia tăng các cơ chế chính sách để giải phóng các nguồn lực, đặc biệt là giải phóng sức sáng tạo của đội ngũ giảng viên và các nhà khoa học bằng các cơ chế chính sách. Đây là sự giải phóng từ bên trong của các cơ sở giáo dục.
Theo Bộ trưởng, vấn đề về thương mại hóa sản phẩm, chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ với nhiều vấn đề tồn tại là rào cản khiến việc gia tăng hứng thú trong nghiên cứu, sức sáng tạo của đội ngũ các giảng viên, nhà khoa học bị kìm hãm.
Theo đó, Bộ sẽ duy trì và tăng cường các chính sách để phát triển lực lượng giảng viên cả về số lượng và chất lượng thông qua nhiều đề án, chương trình hợp tác, các chính sách phát triển các nhóm nghiên cứu, hỗ trợ giảng viên trẻ, các nhà khoa học tiềm năng bằng nhiều nguồn khác nhau, nhiều đề án, nhiều kênh khác nhau.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trước mắt, mong các nhà giáo, đặc biệt các chuyên gia khối về luật cùng tham gia triển khai xây dựng luật nhà giáo để tạo cơ sở pháp lý nhằm nâng cao vị thế, khẳng định vai trò nhà giáo, thiết lập cơ sở pháp lý để triển khai các chính sách đặc biệt đối với nhà giáo.
Cần phải triển khai nhiều những chính sách đặc thù để phát triển khối khoa học cơ bản, khối sư phạm và khối các lĩnh vực mũi nhọn mà quốc gia có nhu cầu trong cả hiện tại và tương lai.
Cần đề ra các chính sách để phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ nhân tài, phát triển đội ngũ tri thức, đặc biệt các nhà khoa học hàng đầu, phát triển nhân lực khoa học về các lĩnh vực cơ bản, mũi nhọn, thực hiện nhiều chính sách để đảm bảo sự công bằng trong thực tế giữa hai khối công - tư.
Cuối cùng, lãnh đạo ngành giáo dục chia sẻ thông điệp mang tính thời sự và cả tính định hướng: "Chúng ta cần kiên định vào con đường, mục tiêu đổi mới, định hướng chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động sự cảm thông, chia sẻ, đồng hành từ xã hội, sự quan tâm của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ. Chúng ta cũng cần phải giải thích, thuyết phục, kiên quyết trong việc chống tiêu cực, chống bệnh hình thức, chống bệnh thành tích, chống tinh thần phản nhân văn, phản tự do trong việc phát triển các cơ sở giáo dục đại học, phải kiên quyết với môi trường chất lượng và mục tiêu phát triển con người, phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật.
Chúng ta cần phải kiên trinh với nghề giáo dục. Vinh quang của nghề nghiệp không thể bị tổn hại. Cần vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt ở trong bất kì hoàn cảnh nào".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kết lại cuộc gặp gỡ với 4 chữ "kiên" gửi đến các nhà giáo: Kiên định, kiên trì, kiên quyết và kiên trinh.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, chữ "kiên" có nghĩa là sự bền vững, chúng ta muốn có sự phát triển bền vững thì cần phải bền trí và cần kiên định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mong các trí thức, các nhà khoa học cùng đồng lòng chia sẻ với lãnh đạo Bộ trong việc phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện được sứ mệnh của mình trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó.