Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung Bộ
VietNamNet giới thiệu tham luận của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Kính thưa các đồng chí chủ trì hội nghị,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương,
Kính thưa các đồng chí tham dự hội nghị,
Tôi xin phép phát biểu một số ý sau. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sau đây tôi xin phép được gọi tắt là Trung Bộ.
Thứ nhất, vùng Trung Bộ thì nhiều thiên tai. Nhiều thiên tai thì tạo ra người miền Trung kiên cường, có ý chí vươn lên, cần cù, chăm học, học giỏi, tạo ra nhiều nhân tài. Mà nhân tài là nguồn lực cơ bản của phát triển. Miền Trung đang sở hữu nguồn lực quan trọng nhất của phát triển.
Phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển kinh tế số thì nhân tài lại càng quan trọng hơn nữa, là yếu tố quyết định. Có thể nói miền Trung đang là vùng nhiều nguồn lực nhất cho sự phát triển trong thời đại công nghệ.
Nhưng vấn đề là cần tạo ra nhiều nhân tài hơn nữa. Đào tạo, nhất là đào tạo số là lời giải cho vấn đề này. Miền Trung có thể sử dụng công nghệ số để tạo ra nhiều trường phổ thông, nhiều trường đại học chất lượng và hàng đầu hơn nữa.
Và vấn đề còn lại là, nhân tài miền Trung phải ở lại miền Trung thì mới tạo ra sự phát triển cho miền Trung. Tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số miền Trung nhưng làm chuyển đổi số (CĐS) cho cả nước, cho toàn cầu.
Kinh tế số thì thị trường không chỉ ở địa phương mà luôn là toàn cầu. Và vì vậy mà nhân tài miền Trung có thể ở lại, lập nghiệp và làm nghề tại miền Trung để tạo ra sự phát triển cho miền Trung.
Có nguồn nhân lực số dồi dào thì các doanh nghiệp công nghệ khác cũng sẽ đến miền Trung để đầu tư.
Thứ hai, vùng Trung Bộ thì thiếu tài nguyên. Nhưng đó là thiếu tài nguyên vật lý như thiếu đất đai mầu mỡ, thiếu khoáng sản quý hiếm.
Nhưng chuyển đổi số lại tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu số. Đây là tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số. Nhưng tài nguyên này lại do con người sinh ra khi sử dụng công nghệ số.
Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên, làm cạn kiệt tài nguyên mà chưa bao giờ tạo ra tài nguyên. Đây là lần đầu tiên con người tạo ra tài nguyên.
Miền Trung mà đẩy mạnh chuyển đổi số thì sẽ tạo ra nhiều dữ liệu, tạo ra nhiều tài nguyên để làm đầu vào cho nền kinh tế số, tạo ra nhiều đầu vào cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển.
Ngoài ra, nhân tài miền Trung, doanh nghiệp công nghệ số miền Trung có thể hợp tác với các chủ dữ liệu trên toàn quốc và toàn cầu để canh tác trên đó, tạo ra giá trị mới và chia sẻ doanh thu. Doanh nghiệp công nghệ số miền Trung có thể ở tại miền Trung mà vẫn canh tác trên tài nguyên dữ liệu ở tận Mỹ.
Bởi vậy, miền Trung thiếu tài nguyên vật lý sẽ không còn là nguyên nhân hạn chế sự phát triển nữa.
Thứ ba là về phát triển hạ tầng số. Hạ tầng quan trọng nhất cho phát triển số là hạ tầng số.
Hạ tầng số là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây, cộng với hạ tầng công nghệ số và các nền tảng số.
Vùng Trung Bộ phải xây dựng hạ tầng số rộng khắp và hiện đại, không còn vùng lõm sóng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang Internet tốc độ cao.
Coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất. Hạ tầng số là dòng chảy dữ liệu. Hai dòng chảy này phải luôn tương xứng với nhau.
Nhưng hạ tầng số thì lại rẻ hơn rất nhiều so với hạ tầng giao thông, có thể làm nhanh hơn, có thể hiện đại ngay, không phải dùng đến ngân sách Nhà nước, vì do các doanh nghiệp đầu tư là chính.
Chỉ cần chính quyền địa phương tạo ra sự phát triển số, nhất là về thể chế số và chính sách số, tạo ra thị trường số, tạo ra nhu cầu số, tạo ra tiêu dùng số, bằng cách coi phát triển số là trọng tâm của Vùng.
Thứ tư, vùng Trung Bộ nên chọn chuyển đổi số là động lực phát triển, là một phương thức phát triển mới. Nếu vùng phải chọn một cái làm trung tâm, làm hạt nhân xuyên suốt trong giai đoạn tới 2030 thì nên chọn chuyển đổi số. Vì một số lý do sau:
Phát triển nhanh thì cần không gian mới. CĐS thì tạo ra không gian mới là không gian số.
Phát triển nhanh thì cần tài nguyên mới. CĐS thì tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu.
Phát triển bền vững thì phải dựa vào ĐMST. Trên 80% các ĐMST, trên 80% các kỳ lân công nghệ thế giới là trên môi trường số, là sử dụng các công nghệ số. ĐMST bây giờ thì chủ yếu là trong CĐS.
Phát triển bền vững thì cần hiệu quả cao. CĐS thì tạo ra 3 xu thế lớn là phi trung gian hóa, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa, và đó đều là các xu thế làm cho nền kinh tế có sức chống chịu hơn, hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.
Thứ năm, vùng Trung Bộ có thể trở thành trung tâm cung cấp nhân lực số cho toàn quốc và toàn cầu.
Nhu cầu nhân lực lớn nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu là nhân lực số, và đang thiếu trầm trọng.
Do cơ hội này mà nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đang làm CĐS cho Mỹ và Nhật Bản, doanh thu hàng năm lên tới hàng tỷ đô la.
Việt Nam muốn có đủ nhân lực số thì từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được 150.000 nhân lực số có bằng từ cao đẳng trở lên, trong khi hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 70.000 người, tức là chưa được 50% nhu cầu,
Các trường đại học truyền thống cũng đã tới hạn về đào tạo vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất. Vùng Trung Bộ mà nhanh chóng tạo ra các đại học số cho lĩnh vực nhân lực số thì sẽ trở thành cái nôi nhân lực số cho cả nước và toàn cầu.
Chính cái nôi này sẽ làm cho Vùng trở thành trung tâm công nghệ, trung tâm ĐMST, trung tâm CĐS, và từ đó tạo ra sự phát triển mạnh mẽ.
Đại học số là lời giải cho nhân lực số Việt Nam. Miền Trung hãy tận dụng tốt cơ hội này.
Xin kính chúc sức khỏe đồng chí Tổng Bí thư và tất cả các đồng chí!
Xin trân trọng cảm ơn!