Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói rõ về 300 tỷ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải 300 tỷ đồng hỗ trợ ngành du lịch phục hồi không phải là quỹ hỗ trợ phát triển mà là vốn điều lệ được bảo tồn phát triển, gửi ở ngân hàng.

Chiều nay (5/6), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch.

Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch

Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về những nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về nguyên nhân chưa triển khai kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch?

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) chất vấn

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng) chất vấn

Đại biểu Trần Chí Cường nêu rõ, sau đại dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển bằng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã bố trí ngân sách cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Nguồn lực là 300 tỷ đồng để hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi.

Tuy nhiên, đến nay, số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng, số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý Quỹ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này cũng như có biện pháp như nào để khắc phục tình trạng trên?

“Vậy nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này và biện pháp để khắc phục tình trạng trên là gì?”, đại biểu Trần Chí Cường hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng thông tin, 300 tỷ đồng này không phải là quỹ hỗ trợ phát triển mà theo Luật Du lịch là vốn điều lệ, được bảo tồn phát triển theo cách gửi ở ngân hàng.

Trong đó, phần lãi đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy, phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp theo tỷ lệ % đóng góp của ngành du lịch thông qua phí, vé...

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng

Hiện nay, 150 tỷ đồng đã được gửi ngân hàng để bảo tồn nguồn vốn, lãi rút ra chi cho công tác hành chính của bộ máy. Số tiền 150 tỷ đồng còn lại vẫn đang được gửi ở Kho bạc Nhà nước.

“Đây là vấn đề rất mới”, ông Hùng nói và cho biết quỹ hỗ trợ du lịch này hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập nên không tránh khỏi những vướng mắc. Thời gian tới, Bộ sẽ quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, nếu cần thiết sẽ đánh giá tác động và có báo cáo cụ thể để xem xét sửa đổi, đưa quỹ này vào hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn về quảng bá du lịch.

Về câu hỏi chất vấn của đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang liên quan đến sản phẩm du lịch của nước ta mang hơi hướng của các quốc gia khác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian qua thực hiện Nghị quyết 82 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 08, trong đó Thủ tướng đã xác định: sản phẩm du lịch độc đáo, môi trường du lịch văn minh, thân thiện, giá cả phải cạnh tranh và phải hợp tác, liên kết nhân dân để phát triển du lịch.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận thấy, khi thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị này, tình hình du lịch của nước ta đã được cải thiện trong 5 tháng đầu năm và có mức tăng trưởng nhất định. Bộ sản phẩm du lịch hiện được nhận diện mà đang áp dụng là đi đúng hướng.

“Ví như du lịch biển đảo là một hướng đi rất đúng, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng và nhiều sản phẩm du lịch khác… đều là hướng đi phù hợp. Ở đâu đó có một vài sản phẩm cá biệt thì sẽ thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh trong thời gian tới. Nhưng chúng ta không nên quá khắt khe, bởi đây là sự giao lưu về văn hóa.

Những gì tiến bộ, tinh hoa văn hóa nhân loại thì cần tiếp thu để bổ sung và làm giàu cho văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,5 triệu lượt khách; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng.

Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023, và nhiều danh hiệu cao quý khác cho các điểm đến như Hội An, TP Hồ Chí Minh, các cơ sở lưu trú du lịch.

Tính đến hết tháng 4-2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt (tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023), tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 40,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 273.000 tỷ đồng.

Mục tiêu mà ngành đề ra trong năm 2024 là đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Công Long về việc làm gì để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng xác định nó là một ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp. Chính vì vậy, vừa qua Chính phủ đã tập trung phê duyệt quy hoạch 6 vùng kinh tế theo nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, trong quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều xác định các tuyến, các trục, các khu vực kết nối trong lĩnh vực du lịch và dựa trên kết nối giao thông là kết nối trọng yếu để phát triển các ngành dịch vụ khác.

"Đối với Đồng bằng sông Cửu Long cũng đề cập đến các sản phẩm du lịch có lợi thế của vùng sông nước này, như du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa bản địa. Có thể nói hiện nay ở ĐBSCL đang nhận diện và thu hút được khách, cũng có nhiều điểm đang còn phát triển tốt và có thương hiệu. Mỗi một vùng quê ở vùng này thì đều có một sản phẩm và quan điểm là mỗi tỉnh đều phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc và biết dựa trên tài nguyên văn hóa của mình để làm, rất mừng là bà con rất sáng tạo. Trong thời gian tới, chúng tôi nghĩ là phải liên kết.

Chính vì liên kết như vậy cho nên chúng ta mới kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và đây là một điểm đầu tàu để liên kết với vùng này, giữa Đồng bằng sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ, chúng ta liên kết với các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng được du khách. Hy vọng với cách tiếp cận như vậy sẽ dần dần thúc đẩy được vùng có nhiều tài nguyên về du lịch chưa được đánh thức thì chúng ta làm", Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định rất ủng hộ và mong muốn các địa phương phải tập trung để giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch phải có những doanh nghiệp lớn vào để đầu tư và tạo ra được các sản phẩm, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi từ việc này. "Kinh nghiệm này như Sun Group hoặc Vin Group chẳng hạn. Họ làm có rất nhiều sản phẩm, đúng như slogan "làm đẹp những vùng đất" nên có những sản phẩm độc đáo. Không nói đâu xa như ở Tây Ninh chẳng hạn, chúng ta thấy Bà Đen chẳng hạn, đó cũng là một sản phẩm. Tôi hy vọng như thế sẽ có cách tốt hơn".

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bo-truong-nguyen-van-hung-noi-ro-ve-300-ty-quy-ho-tro-phat-trien-du-lich-post1099644.vov