Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời chất vấn về các chế độ, chính sách

Sáng nay, QH tiếp tục chất vấn lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Hôm nay, 6/6, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành phiên họp buổi sáng để tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ tiếp tục trả lời về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sỹ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sỹ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Bộ trưởng cũng sẽ trả lời việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; phát triển sản phẩm du lịch đêm và chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng tham gia trả lời các nội dung liên quan với tư lệnh ngành văn hóa, thể thao và du lịch là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Phiên chất vấn dự kiến kết thúc vào cuối buổi sáng 6/6.

Chương trình làm việc sẽ tiếp tục vào buổi chiều với thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trước đó, theo Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 ngày 7.6.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trong phiên họp chiều ngày 5/6. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trong phiên họp chiều ngày 5/6. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.

Dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này, đồng thời bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này.

Ngoài đối tượng theo Luật Công đoàn năm 2012, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (đối với việc gia nhập vào Công đoàn Việt Nam).

Dự thảo luật sẽ trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ (Điều 26) theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”.

Về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 và vai trò là tổ chức chính trị - xã hội theo Điều 10 Hiến pháp 2013.

Theovietnamplus.vn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-tiep-tuc-tra-loi-chat-van-ve-cac-che-do-chinh-sach-post476724.html