Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi đã rút được bài học kinh nghiệm sâu sắc về quy hoạch

Chúng tôi đã rút được bài học kinh nghiệm sâu sắc về quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải lựa chọn được công nghệ, nhà thầu tốt, bảo đảm mặt bằng sạch khi triển khai dự án…

Đây là phát biểu giải trình trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vào sáng nay (3/11) liên quan đến những tồn tại của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (3/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2020; Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.

Tháo gỡ vướng mắc, không để lỡ hẹn với nhân dân

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện có 8 dự án đang được thực hiện ở 2 thành phố, tổng mức đầu tư cho 224km đường sắt đô thị tại TP.HCM khoảng 25 tỷ USD và Hà Nội 318km với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD.

Đại biểu Thường cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu và rất cấp bách giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, mang tính then chốt của cả 2 TP. Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các dự án đều có tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lại chậm tiến độ nhiều lần, liên tục đội vốn như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Suối Tiên… đã gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Trước Quốc hội, đại biểu đề nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc của đường sắt Cát Linh - Hà Đông giúp dự án vận hành vào cuối năm nay. "Tháo gỡ để không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân", đại biểu Thường nói.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, hiện các dự án đường sắt đô thị mới chỉ chú ý về tính khả thi, tài chính, kỹ thuật, ít chú ý tới sự liên kết phát triển không gian đô thị. Vì vậy, các dự án đường sắt đô thị dường như chỉ là một hệ thống nhập khẩu, là phép cộng thuần túy cho một loại hình giao thông mới.

Việc lựa chọn, chỉ định thầu các dự án đường sắt đô thị khi ký hợp đồng với các nhà thầu cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như giải phóng mặt bằng, nhất là hợp đồng EPC, vì nếu chưa chốt được giá trị ngay từ đầu mà chỉ tạm tính thì sẽ rất rắc rối sau này. Đại biểu Thường cũng đề nghị cần nghiên cứu mô hình đường sắt tư nhân tại các thành phố lớn.

"Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề mà không chỉ Bộ Giao thông Vận tải hay Hà Nội có thể giải quyết được. Đại biểu băn khoăn không biết thời hạn cuối cùng đặt ra cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là vận hành trong cuối năm nay có khả thi, sau rất nhiều lần phải chậm, lùi tiến độ và đề nghị cần có giải pháp mạnh để dự án này không sai hẹn thêm lần thứ 9", đại biểu Thường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin rút kinh nghiệm

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về những tồn tại ở dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông Thể cho biết, đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, tuy nhiên thời gian qua bộc lộc nhiều vấn đề, đặc biệt làm chậm tiến độ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin rút kinh nghiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: "Chúng tôi đã rút được bài học kinh nghiệm sâu sắc về quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải lựa chọn được công nghệ, nhà thầu tốt, bảo đảm mặt bằng sạch khi triển khai dự án...".

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng xin tiếp thu và cùng các thành phố lớn tham mưu cho Chính phủ để có những dự án tốt hơn, không xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua. Sẽ có những dự án tốt hơn, thi công nhanh hơn. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với những thành phố lớn để những dự án đường sắt đô thị khởi công mới tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay, đây là hướng đột phá giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2020, ngành GTVT được bố trí 40.000 tỷ đồng, đến ngày 30/10/2020, đã giải ngân hơn 29.000 tỷ đồng, tương đương 73%, cao hơn mức trung bình cả nước 13%.

Giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT có một số chương trình, nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc lớn, từ đó lựa chọn những đoạn tuyến quan trọng để đầu tư, nhằm nâng số km đường cao tốc hiện nay từ hơn 40 km lên hơn 300 km nhằm đánh thức tiềm năng của vùng đồng bằng này. Không có cao tốc thì thu hút đầu tư phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ rất khó khăn.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-nguyen-van-the-chung-toi-da-rut-duoc-bai-hoc-kinh-nghiem-sau-sac-ve-quy-hoach-post103882.html