Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngành GTVT không ai dám làm sai

Các tuyến đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 thủ đô và ba dự án cao tốc phía Nam sẽ làm thay đổi tình hình giao thông…

Sáng 9-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là “tư lệnh” ngành cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Xóa “lệch pha” trong đầu tư cao tốc

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu tình trạng đầu tư “lệch pha” dự án cao tốc giữa các vùng, miền. Đặc biệt là tình trạng “trắng” cao tốc ở các vùng kinh tế động lực như Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc...

Trong khi đó, vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ bao gồm tám tỉnh, thành có đóng góp 42% cho ngân sách quốc gia nhưng hiện chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng... Nếu cả nước có 1.160 km đường cao tốc thì khu vực phía Nam chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 100 km. Tình hình trên kéo dài hàng chục năm qua: “Xin bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp?”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chất vấn và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời về vấn đề xây dựng đường cao tốc cân đối, hài hòa ở các khu vực, vùng miền… Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chất vấn và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời về vấn đề xây dựng đường cao tốc cân đối, hài hòa ở các khu vực, vùng miền… Ảnh: Quochoi.vn

Ông Thể khẳng định Chính phủ đã nhận diện được bất cập trên và vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Dựa trên quy hoạch này, Chính phủ chỉ đạo xây dựng một đề án thực hiện 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó có tiêu chí đảm bảo cân đối đường cao tốc giữa các vùng, miền.

Ông ví dụ, dự án đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội là không gian phát triển các đô thị, trung tâm kinh tế lớn nên quyết tâm đầu tư công để hoàn thành.

Vùng ĐBSCL, số kilomet cao tốc còn ít nhưng nền đất yếu nên thu hút đầu tư khó khăn. Ông Thể thông tin Bộ GTVT đã tham mưu để xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề nhằm kết nối liên vùng, liên vận quốc tế và kết nối với cảng. Nhằm tạo bước đột phá cho vùng ĐBSCL.

Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến cao tốc cứu cánh cho cả tuyến Đông Nam bộ. Không có tuyến cao tốc này, sắp tới hàng hóa không xuống được cảng Cái Mép - Thị Vải. Bởi hiện quốc lộ 51 quá tải nên đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công để sớm hoàn thành. Hay làm tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa để phát triển vùng Tây Nguyên - duyên hải miền Trung theo hướng công nghiệp...

“Những người làm công tác giao thông rất mừng vì nhiệm kỳ này QH, Chính phủ ủng hộ lớn cho các dự án trọng điểm quốc gia. Và hy vọng với tổng thể kế hoạch phát triển các tuyến đường cao tốc hiện nay, sau nhiệm kỳ này sẽ khác…” - ông Thể nói.

Với đường cao tốc, không ai dám làm sai

Cạnh đó, các ĐB khác cũng bày tỏ lo lắng đối với năng lực, nhân lực của Bộ GTVT trong việc triển khai đồng loạt các dự án giao thông trong thời gian tới. Làm sao để bộ kiểm soát được chất lượng, tiến độ các dự án giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định các nhà thầu trong nước rất nhiều và đủ năng lực tham gia các dự án giao thông. Hiện nay, dự án chất lượng kém thường rơi vào đường cấp thấp. Còn đường cấp cao thì ở một số dự án có tình trạng kém chất lượng nhưng trong tổng thể ở các dự án cao tốc đều đảm bảo chất lượng.

Theo ông Thể, các khâu thanh tra, kiểm tra trong quá trình thi công, xây dựng cao tốc hiện khá chặt chẽ, ngoài thanh tra ngành giao thông còn có sự tham gia của công an, Thanh tra Chính phủ để hạn chế những vấn đề nhạy cảm. “Tôi khẳng định với các ĐB, ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai. Ký tá cũng cân đong đo đếm, đảm bảo quy định pháp luật…” - Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Tuy nhiên, ông Thể cũng thừa nhận đến thời điểm hiện nay, có một số dự án chậm tiến độ, chất lượng có vấn đề cũng như chậm giải quyết các vấn đề BOT. “Với trách nhiệm của mình, ngành GTVT xin nhận những hạn chế, khuyết điểm này…” - ông Thể nói.

Có hay không lợi ích nhóm trong dự án BOT?

ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đặt vấn đề việc triển khai thu phí không dừng (ETC) chậm trễ đã gần ba năm.

Bộ trưởng Thể trả lời cuối năm 2015, Chính phủ triển khai việc thu phí không dừng nhưng do thói quen của người dân nên việc dán thẻ dù miễn phí vẫn rất ít người tham gia.

Vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến ngày 30-6, toàn bộ trạm BOT phải hoàn thành lắp đầy đủ các làn ETC, mỗi trạm chỉ duy trì hai làn thu phí hỗn hợp ở hai rìa để giải quyết những tình huống phức tạp, đột xuất. Các dự án VEC cũng được Chính phủ yêu cầu đến ngày 31-7 phải hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu thông tin cử tri cho rằng chậm triển khai thu phí không dừng là do có gian lận, lợi ích nhóm. “Thực sự có thật hay không, phải trả lời được câu hỏi này” - ĐB Hà Nội chất vấn.

Đáp lại, Bộ trưởng Thể khẳng định việc lắp đặt thu phí không dừng liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm, các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an rất quan tâm. “Đến nay chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước câu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, có vi phạm gì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này” - Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-nguyen-van-the-nganh-gtvt-khong-ai-dam-lam-sai-post683957.html