Bộ trưởng Nội vụ: Xóa bỏ tình trạng cán bộ 'giữ ghế nhờ ngạch công chức'

'Cán bộ công chức muốn tồn tại thì phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Không phải chỉ có ngạch và xóa bỏ tình trạng giữ 'ghế' nhờ ngạch', Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Động lực để cán bộ, công chức phấn đấu

Chiều 14/5, tiếp thu giải trình về dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng luật nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời thực hiện mục tiêu cơ cấu lại cán bộ, công chức, gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Giải trình về mối quan hệ giữa vị trí việc làm và ngạch công chức, bà Trà nói, dự thảo luật đã xác lập chế độ công vụ theo nguyên lý lấy vị trí việc làm là trung tâm, nền tảng, cốt lõi để vận hành xuyên suốt bộ máy hành chính.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Như Ý

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Như Ý

“Vị trí việc làm chi phối toàn bộ "vòng đời" trong quản trị nhân lực khu vực công, như xác định biên chế, phân bổ nhân lực, căn cứ duy nhất để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, khen thưởng, trả lương”, bà Trà cho hay.

Theo dự thảo, khi tuyển dụng vào vị trí việc làm nào sẽ được xếp vào ngạch tương ứng. Điều này thấy rõ công chức không phải đi theo tuần tự của hệ thống ngạch như trước đây.

"Cán bộ công chức muốn tồn tại thì phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Không phải chỉ có ngạch và xóa bỏ tình trạng giữ "ghế" nhờ ngạch, từ đó sẽ tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu, thực thi công vụ trên cơ sở vị trí việc làm theo hướng chuyên nghiệp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điểm mới nữa nhận được quan tâm của đại biểu là chính sách với người tài năng trong hoạt động công vụ. Bộ trưởng cho biết, nội dung này được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi, kỹ lưỡng cũng sẽ được tiếp thu tối đa.

Tư lệnh ngành nội vụ cho hay, luật hóa nguyên tắc coi người có tài là chủ thể đặc biệt trong thiết lập nền công vụ ‘trọng giá trị và đổi mới’. Chính phủ sẽ quy định rõ ràng về nguyên tắc, cơ chế chính sách đặc biệt, linh hoạt trong phân cấp, kết nối đồng bộ từ tuyển dụng liên thông đến sử dụng công chức.

KPI và đặc thù công vụ Việt Nam

Về vấn đề phân loại công chức, Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc bỏ phân loại theo cơ quan công tác, song cũng cần bổ sung phân loại theo thứ bậc và nhóm chuyên gia.

Các nội dung được quan tâm như cán bộ công chức người dân tộc thiểu số, đảm bảo bình đẳng giới, nghiên cứu làm việc từ xa, trực tuyến, cơ chế xóa bỏ "tư duy biên chế suốt đời" sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, đảm bảo việc thực hiện luật trong thực tế thuận lợi.

Theo Bộ trưởng, một trong những điểm thiết kế mới trong dự thảo luật là quy định đánh giá cán bộ công chức. Việc đổi mới thể hiện từ việc chuyển đánh giá định tính sang định lượng bằng sản phẩm theo vị trí việc làm, chức trách được giao.

Khi tham mưu cho Chính phủ, sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trên cơ sở sử dụng công nghệ, dữ liệu số công vụ, công chức và chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia có nền công vụ hiện đại.

Cùng với đó sẽ có sự kết hợp giữa KPI với đặc thù công vụ tại Việt Nam, kết quả định lượng theo vị trí việc làm, bảo đảm đánh giá thực chất, công khai, minh bạch, chính xác. Từ đó, làm cơ sở vững chắc thực hiện nguyên lý không có "biên chế suốt đời".

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-truong-noi-vu-xoa-bo-tinh-trang-can-bo-giu-ghe-nho-ngach-cong-chuc-post1742272.tpo