Bộ trưởng Tài chính: Đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.
Thu ngân sách tăng 80.100 tỷ đồng
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024 - 2026.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu NSNN năm 2024 khoảng hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 80.100 tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023.
Mức dự toán nêu trên, theo Chính phủ, là tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.
Về chi, dự toán bội chi NSNN năm 2024 là 399.400 tỷ đồng, bằng khoảng 3,6%GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Đáng lưu ý, về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, tổng nguồn ngân sách trung ương (NSTW) dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng.
Với dự kiến thu - chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.
Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trong 3 năm (2021-2023) Chính phủ vay khoảng 1,32 triệu tỷ đồng (đạt gần 43% kế hoạch). Trong đó, ngân sách Trung ương vay gần 1,28 triệu tỷ đồng.
Nguồn vay chủ yếu từ trong nước, qua phát hành trái phiếu kỳ hạn dài (bình quân 12,6-13,92 năm) với lãi suất ưu đãi.
Theo Chính phủ, việc huy động, trả nợ công và các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay, bảo lãnh của Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đảm bảo mục tiêu đề ra.
Cụ thể, nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 4 triệu tỷ đồng, tương đương 39-40% GDP. Mức này thấp hơn 2,7-3,7%GDP năm 2021.
Bảo đảm an toàn nợ công
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban TCNS nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành công tác quản lý vay, trả nợ công.
Trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng lớn tới kinh tế trong nước, các chỉ tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 đã được Chính phủ chủ động kiểm soát.
Công tác quản lý nợ công được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng. Chính phủ chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền và tích cực các biện pháp kiểm soát an toàn nợ công và các hạn mức nợ. Công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu chi của NSNN.
Trong bối cảnh thu ngân sách vượt kế hoạch, giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến, Chính phủ đã chủ động điều chỉnh nhu cầu vay, đảm bảo huy động đủ nguồn lực cho NSNN.
Chính phủ đã chú trọng việc đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước; phát hành trái phiếu Chính phủ tập trung vào kỳ hạn dài.
Đảm bảo hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh cho biết, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn về những vấn đề còn hạn chế trong công tác quản lý vay, trả nợ.
Ủy ban TCNS nhận thấy, một số tồn tại, hạn chế nổi bật như sau, mặc dù các chỉ tiêu, tỷ lệ an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2023 và dự kiến hai năm còn lại của giai đoạn trong hạn mức được Quốc hội quyết định.
Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước.
Việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn. Với vị thế là nước thu nhập trung bình thấp, hiện nay, Việt Nam đang phải tiếp cận các khoản vay gần điều kiện thị trường, các nhà tài trợ cũng chào vay với các điều kiện tài chính kém thuận lợi hơn trước đây. Các khoản vay được ký mới trong giai đoạn này chủ yếu có lãi suất thả nổi.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài rất chậm, nhiều năm không đạt dự toán.
Trước những hạn chế nêu trên, Ủy ban TCNS nhất trí với giải pháp Chính phủ đã nêu, theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, Chính phủ tích cực, chủ động, triển khai thực hiện các giải pháp về điều hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi, đánh giá kỹ về một số vấn đề nổi lên như: Vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu NSNN năm 2024 tăng khá lớn; tình hình huy động vốn trái phiếu Chính phủ hằng năm trong khi tồn dư NSNN lớn từ số chuyển nguồn tăng thu NSNN năm 2021, 2022; số dư nguồn cải cách tiền lương không thể sử dụng... để trong điều hành NSNN, xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng vốn vay tiết kiệm, hiệu quả và đề xuất giải pháp cân đối NSNN chủ động, bảo đảm an toàn nợ công.