Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nêu cách trị nạn 'khủng bố' điện thoại
Sáng nay (4/11), Quốc hội tiếp tục chương trình với phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng.
Mỗi một tháng phát hiện gần 4.000 số điện thoại có câu chuyện đe dọa, khủng bố
Chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu hai vấn đề về tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu trong cơ quan Nhà nước và vấn đề "khủng bố" qua điện thoại, cả tin nhắn lẫn cuộc gọi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, có đơn vị xây dựng xong cơ sở dữ liệu rồi nhưng chưa yên tâm về tính chính xác nên đắn đo chưa đưa ra sử dụng. Có cơ quan đắn đo nếu cho các đơn vị khác kết nối vào, không đảm bảo an toàn thông tin, mất dữ liệu thì ai phải chịu trách nhiệm.
"Tất nhiên cũng có tâm lý là dữ liệu là một loại tài nguyên, tài sản, nếu chia sẻ cho nhiều người biết thì quyền của mình nhỏ đi", Bộ trưởng nói, cho biết 8 cơ sở dữ liệu đã kết nối không có chuyện cát cứ và đang chia sẻ hiệu quả. Năm tới, Bộ sẽ chính thức yêu cầu các bộ ngành, địa phương công khai các dữ liệu của đơn vị mình.
Về câu hỏi, tình trạng "khủng bố" bằng điện thoại, giải pháp để chấm dứt tình trạng trên như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi một tháng, phản ánh của người dân đến Bộ TT&TT hoặc qua các công ty viễn thông là khoảng 30.000 cuộc gọi, trong đó 88% các phản ánh liên quan đến số điện thoại hoặc khủng bố qua cuộc gọi.
Cuộc “điện thoại rác” là vấn nạn toàn cầu. Ở Mỹ số lượng 1 người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan/tháng gấp 3 lần Việt Nam, ở Brazil cũng gấp 3 lần Việt Nam; còn Việt Nam tương đương Indonesia.
Về giải pháp, ông Hùng cho biết, gần đây, Bộ đã công bố số điện thoại để người dân có thể phản ánh về các cuộc gọi này để nhà mạng xử lý hoặc Bộ chỉ đạo các nhà mạng xử lý.
Bên cạnh đó, ông cho rằng "phải dùng công nghệ để xử lý", bởi trên môi trường số, giải pháp quan trọng nhất là công nghệ. Đối tượng của mình dùng công nghệ thì mình cũng phải dùng công nghệ.
"Hiện nay, Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các nhà mạng chung tay phát triển công nghệ để xử lý, phát hiện cuộc gọi rác. Mỗi một tháng đã phát hiện khoảng gần 4.000 số điện thoại có phát tán thông tin rác và có câu chuyện đe dọa, khủng bố", ông nói.
Cách nào để giữ chân cán bộ thông tin trong cơ quan nhà nước?
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề chất vấn, Chính phủ đang trong lộ trình xây dựng Chính phủ số, chính quyền điện tử, áp dụng công nghệ cho các dịch vụ công từ cấp trung ương đến địa phương. Để triển khai công việc này, cần phải có đội ngũ đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, hiện nay ở cấp xã, phường, thị trấn - nơi phải triển khai trực tiếp các dịch vụ công nhiều nhất với người dân lại không có vị trí việc làm và biên chế cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Điều này gây khó khăn cho cơ sở tại các địa phương và làm cản trở tiến độ triển khai xây dựng chính quyền điện tử.
"Giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc phát triển và giữ chân đội ngũ công nghệ thông tin ở cấp xã, phường, thị trấn trong giai đoạn tới đây là gì?", bà Ánh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, khi nghiên cứu, ông cũng bất ngờ với số lượng làm công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước hiện chỉ 0,9%. Trong khi các nước trong khu vực ASEAN là 10%, Mỹ 15% (Văn phòng Tổng thống Mỹ là 15%)... Đây là con số đáng suy nghĩ vì tỷ lệ thấp sẽ rất khó chuyển đổi số quốc gia.
Để giữ chân những cán bộ lĩnh vực này, ông Hùng cho rằng, cần ưu đãi. Tuy nhiên với cơ chế hiện nay thì rất khó. Thực tế ông cho thấy, công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất nên cần xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo (AI) để giảm gánh nặng cán bộ thông tin, phù hợp mức lương họ đang nhận. Tức là phải đầu tư vào nền tảng.
Ngoài ra, trước đây làm công nghệ thông tin theo cách bỏ tiền đầu tư, khai thác, phát triển, giờ cần thay đổi theo cách tăng cường thuê ngoài và biến những cán bộ thông tin là "người đặt hàng, người hướng dẫn".