Bộ trưởng Thương mại Jam Kamal: Việt Nam và Pakistan đón đầu các xu hướng mới để cùng hưởng lợi
Bộ trưởng Thương mại Pakistan Jam Kamal Khan khẳng định mong muốn xây dựng liên doanh với Việt Nam để cùng khai thác các dư địa hợp tác tiềm năng, tạo bàn đạp hướng đến những thị trường mtại châu Phi và Trung Á.

Bộ trưởng Thương mại Pakistan Jam Kamal Khan trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam hôm 10/7 nhân chuyến thăm Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ năm Tiểu ban hỗn hợp về Thương mại Việt Nam-Pakistan. (Ảnh: Xuân Sơn)
Cùng hưởng lợi, cùng phát triển
Bộ trưởng Thương mại Jam Kamal khẳng định, trong năm qua, Pakistan đã thực sự mở rộng thị trường tại Việt Nam, với động lực quan trọng là sự gia tăng các cuộc tiếp xúc, giao lưu giữa doanh nghiệp hai nước. Các đoàn xúc tiến thương mại Việt Nam đã đến tham dự hai hội chợ lớn tại Pakistan, một ở Lahore và một ở Karachi, 2 trung tâm kinh tế hàng đầu của Pakistan để tập mở rộng cơ hội giao thương, gia tăng giá trị sản phẩm nông thủy sản và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm.
"Với hướng tiếp cận như vậy, tôi thấy có nhiều cơ hội để quan hệ Pakistan-Việt Nam phát triển hơn nữa. Đây cũng là kết quả tiếp nối từ cuộc trao đổi tốt đẹp giữa Thủ tướng Pakistan và Thủ tướng Việt Nam tại Riyadh (Saudi Arabia) vào cuối năm 2024, nhằm giúp hai nước phát triển thương mại, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, công nghệ cũng như đón đầu các xu hướng mới để cùng hưởng lợi", Bộ trưởng Thương mại Pakistan nhấn mạnh.
Theo ông Jam Kamal, Việt Nam có thế mạnh rất lớn về công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và đang có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có tầng lớp trung niên đông đảo, cùng lực lượng thanh niên nhiệt huyết và Pakistan cũng vậy, với dân số gần 250 triệu người, phần lớn trong độ tuổi từ 15 đến 30.
Những lĩnh vực sản xuất như công nghiệp điện thoại, da giày, dệt may, da thuộc, nông nghiệp, ICT... đều là các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng. Khai khoáng cũng là hướng đi tốt trong tương lai. Pakistan là một trong những nước có tiềm năng hàng đầu thế giới về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm vốn thiết yếu cho ngành công nghiệp điện tử. Dệt may cũng là thế mạnh hàng đầu của Pakistan, đặc biệt là hàng may mặc, quần áo, ga trải giường, vải lanh và nhiều sản phẩm khác.
Ông Jam Kamal cho biết: "Đây chính là các lĩnh vực mà chúng tôi mong muốn hợp tác, thông qua các liên doanh để cùng khai thác, tạo bàn đạp hướng đến những thị trường khác. Hợp tác với Pakistan, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn vì Pakistan gần châu Phi, đặc biệt là Đông Phi và có khả năng tiếp cận các nước Trung Á. Hai nước hoàn toàn có thể ký các thỏa thuận kinh tế ba bên với các quốc gia châu Phi, Trung Á và nhiều khu vực khác".
Bắc nhịp cầu Halal

Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu, trong đó có thị trường Pakistan được cho là sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ USD năm 2028. (Nguồn: Wego)
Theo Bộ trưởng Thương mại Pakistan, Việt Nam đang triển khai hợp tác với các nước GCC (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh) và một số khu vực khác để gia tăng tiềm năng thị trường Halal. Cộng đồng Hồi giáo trên thế giới có số lượng rất lớn, ưu tiên dùng thực phẩm Halal, nhưng để Halal thực sự đạt chuẩn thì cần cấp chứng nhận. Đây chính là lĩnh vực Pakistan nỗ lực đẩy mạnh. Do đó, Islamabad đã kết nối với Malaysia vì đây là một trong những nước có tiêu chuẩn chứng nhận Halal rất cao. Nếu Việt Nam đang hướng tới ngành công nghiệp Halal và muốn sản phẩm được sử dụng rộng rãi, thì đây là hướng đi mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Pakistan nên xem xét.
"Chúng ta có thể phối hợp cùng các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức Halal tại Việt Nam và Pakistan. Trong bối cảnh hai nước đang tiến hành cuộc họp Tiểu ban hỗn hợp thương mại lần thứ 5, thì đây có thể trở thành nội dung theo dõi tiếp theo, do các cơ quan khác nhau trong chính phủ thực hiện", ông Jam Kamal chia sẻ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Bộ trưởng Thương mại Pakistan cho rằng, chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, còn những người thực sự nhìn thấy cơ hội chính là giới doanh nghiệp. Bởi để phát triển bất kỳ cơ hội kinh tế hay kinh doanh nào, cần phải khả thi về mặt thương mại và dựa trên nhu cầu, cơ chế thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, có rất nhiều startup, doanh nghiệp nhỏ có thể khai thác thương mại kỹ thuật số qua các nền tảng điện tử.
Do đó, Bộ trưởng Jam Kamal đề xuất: "Các phòng thương mại, hiệp hội doanh nghiệp ở Pakistan cần gặp gỡ, trao đổi và sang thăm Việt Nam nhiều hơn. Chúng tôi đang lên kế hoạch đưa thêm nhiều đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam và chúng tôi cũng mong điều tương tự, tức là các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Pakistan".
Nối đường hàng không, kết tình văn hóa

Kết nối hàng không là điều kiện quan trọng để thúc đẩy du lịch giữa Việt Nam và Pakistan. (Nguồn: VnEconomy)
Bộ trưởng Thương mại Pakistan cho biết, quốc gia Nam Á đang nỗ lực thúc đẩy 4 trụ cột là du lịch, kết nối, văn hóa và ẩm thực. Dù hai nước có nhiều danh lam thắng cảnh và dân số lớn, Việt Nam trên 100 triệu người, Pakistan trên 250 triệu người nhưng chưa có sự kết nối do không có chuyến bay trực tiếp. Vì vậy, chỉ cần thu hút được 1% dân số của cả hai bên thì có thể mở ra nhiều triển vọng hợp tác. Khi kết nối đường bay, hoạt động kinh doanh tự nhiên sẽ tăng, du lịch cũng sẽ tăng và giao lưu giữa người dân sẽ phát triển.
Ông Jam Kamal khẳng định: "Chúng tôi đang thực sự thúc đẩy vấn đề này và đã trao đổi với Bộ trưởng Hàng không Pakistan, vận động mạnh mẽ để nối tuyến bay giữa hai nước. Một khi đường bay được khai thác, sẽ có rất nhiều điểm đến du lịch, địa danh văn hóa, tôn giáo hấp dẫn để người dân khám phá. Chúng tôi vẫn nói rằng Phật giáo bắt nguồn từ Pakistan. Taxila chính là vùng đất mà Đức Phật từng hiện diện, bức tượng Phật khổ hạnh lớn nhất đang lưu giữ tại bảo tàng ở Lahore. Đây từng là điểm đến mà rất nhiều tín đồ Phật giáo tìm đến, và chúng tôi đang nỗ lực khôi phục xu hướng này".
Bộ trưởng Thương mại Pakistan chia sẻ, miền Bắc Pakistan có phong cảnh tuyệt đẹp, với ngọn núi cao thứ hai thế giới là K2. Địa hình ở Pakistan rất đa dạng, từ sa mạc, đồng bằng, núi đá hiểm trở cho đến bờ biển. Việt Nam cũng có nét tương đồng khi sở hữu vùng núi, đồng bằng, biển. Người dân Pakistan có xu hướng đi Trung Đông, châu Âu và cả Đông Nam Á. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến mới cho họ.
"Bên cạnh đó, Pakistan nổi tiếng với ẩm thực, Việt Nam cũng vậy. Đây có thể là sự thay đổi khẩu vị hấp dẫn cho người dân hai nước, tạo nên sự giao thoa văn hóa mới lạ. Chúng tôi tin rằng khi con người gặp nhau, cơ hội tự nhiên sẽ mở ra. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo ngành hàng không hai nước sớm kết nối, để các chuyến bay giữa Pakistan và Việt Nam sớm được khai thác", ông Jam Kamal bày tỏ.