Bộ trưởng Tô Lâm: Xây dựng phường, xã là pháo đài về an ninh trật tự
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày 20/6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, lực lượng công an chính quy ít, nếu không dựa vào lực lượng bán chuyên trách, tổ dân phố, dân phòng thì sẽ khó nắm hết tình hình.
Công an xã khó nắm hết tình hình nếu không dựa vào lực lượng khác
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Đoàn tỉnh Hưng Yên) cho rằng, đa số vụ việc về an ninh trật tự xảy ra từ cơ sở. Để ngăn chặn, không để diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng thì phải có lực lượng kịp thời giải quyết ngay từ đầu. Trong khi lực lượng công an xã chính quy chỉ 5 đến 6 người nên không dựa thêm vào lực lượng bán chuyên trách, tổ dân phố, dân phòng thì khó nắm hết tình hình, bị động. Do đó việc xây dựng luật này là rất cần thiết từ căn cứ pháp lý, thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, với tinh thần từ Quốc hội khóa XIV, việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất là cần thiết. Đại biểu bày tỏ luôn mong muốn dự thảo Luật này được xây dựng bởi tình hình an ninh, trật tự ở một số cơ sở còn rất phức tạp mà lực lượng công an hiện nay, cụ thể là công an chính quy phường một số nơi cũng không đủ lực để quản trị tình hình trật tự địa phương. Lấy ví dụ mới nhất về vụ việc gây mất an ninh trật tự tại tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần phải được củng cố, cần thiết phải được luật hóa.
Tuy nhiên đại biểu nêu rõ, hiện tại dự thảo Luật chưa làm rõ được nội dung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ trật tự an toàn xã hội… Vì vậy, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải khẳng định được điều này.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập theo dự thảo Luật này thì cần thống nhất với 3 nhóm lực lượng: Lực lượng bảo vệ dân phố; lực lượng công an xã; lực lượng dân phòng. Các lực lượng này sẽ gộp lại và tổ chức hợp nhất, bài bản hơn và mạnh hơn. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ để tránh sự trùng lắp, để khi các vụ việc cần xử lý xảy ra sẽ xác định được lực lượng nào tham gia xử lý.
Mặc dù lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được quy định theo hướng giảm đáng kể về số lượng nhưng đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đặt vấn đề, nguồn kinh phí bảo đảm cho lực lượng này có phần Nhà nước đảm bảo như trang thiết bị hoạt động, quân trang phục…, tức là phải chi hành chính từ các khoản thu thuế của dân hay kể cả các nguồn hợp pháp khác cũng đều từ người dân, doanh nghiệp đóng góp thì có hợp lý trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch hiện nay không?.
Cho rằng củng cố thế trận lòng dân là nhiệm vụ quan trọng số một, đại biểu cho rằng, nên tăng cường ý thức cảnh giác, nâng cao vai trò của Nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh đó, các khoản chi lương, phụ cấp, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lực lượng này thì có nên không vì điều đó sẽ tác động vào sức dân. Vì vậy, đề nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Luật cho chín muồi.
Quan tâm đến an ninh, an toàn của từng cá nhân
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mục tiêu đặt ra khi xây dựng dự thảo Luật là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc, an toàn, không ai bị đe dọa, không ai bị ảnh hưởng. Xã, phường nào cũng tốt thì quận, huyện tốt, tỉnh tốt, cả quốc gia tốt.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có điểm mới là quan tâm an ninh, an toàn không phải chỉ an ninh quốc gia, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự bền vững của chế độ mà an ninh, an toàn đến cá nhân từng con người. Điều này rất quan trọng với người dân, với cơ sở, bởi thực tế rất nhiều người bị bắt nạt, bị đe dọa.
"Mục tiêu cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình, an ninh, an toàn, thảnh thơi chứ không phải lúc nào cũng lo sợ. Chúng tôi triển khai Trung ương phải làm gì, tỉnh làm gì, huyện, xã làm gì. Xã bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân là rất quan trọng. Mục tiêu xây dựng cơ sở phường, xã là những pháo đài về an ninh trật tự, là nơi được bảo đảm an ninh, an toàn nhất. Không có chỗ nào lọt khỏi phường, xã cả” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Khẳng định việc xây dựng những phường, xã không tội phạm, không ma túy là mục tiêu rất lớn, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, tội phạm ngay ở xã, phường, có gì mầm mống là dân đều biết. Công việc ở cấp xã rất nhiều, trong khi cơ cấu của lực lượng công an không đủ nên cần sự tham gia của lực lượng trị an cơ sở-nhất là vai trò tham gia của Nhân dân.
Trước băn khoăn của đại biểu về kinh phí ngân sách, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ tin tưởng không có nhiều trở ngại, khó khăn bởi ổn định mới phát triển được kinh tế - xã hội. Hơn nữa, trước đây ngân sách của tỉnh chi hết thì giờ chức danh trưởng công an xã do Bộ Công an lo. Trụ sở cũng dùng ở trụ sở chính quyền, trụ sở công an xã và nhà sinh hoạt cộng đồng chứ không có trụ sở riêng. Trang bị công cụ hỗ trợ là chính thì Bộ cũng chịu trách nhiệm. Do đó, kinh phí không phải gánh nặng lớn cho các địa phương.