Bộ trưởng Y tế: Tốc độ già hóa dân số Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất châu Á
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác.
Đây là thông tin trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu gửi về Bộ Y tế sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15. Cử tri tỉnh này kiến nghị tăng cường các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giám sát việc thực hiện chính sách tại cơ sở và nâng mức kinh phí hỗ trợ cho các chi hội người cao tuổi.
13 năm nữa, cứ 5 người dân Việt lại có một người trên 60 tuổi
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số.
Bộ Y tế dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 13 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Năm 2009, cứ 11 người dân lại có 1 người từ 60 tuổi trở lên nhưng vào năm 2029, tỷ lệ này là 6:1, năm 2038 là 5:1. Điều này có nghĩa là, vào thời điểm năm 2038, cứ 5 người dân Việt thì có một người trên 60 tuổi.
Chỉ số già hóa (tính bằng số người cao tuổi trên 100 trẻ dưới 15 tuổi) ngày càng tăng. Nếu năm 2021, chỉ số này là 53,1% thì năm 2024 ở mức 60,2% (nghĩa là cứ 100 trẻ dưới 15 tuổi thì có hơn 60 người cao tuổi). Dự báo, chỉ số này sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có lượng người cao tuổi nhiều hơn số lượng trẻ em.
Hiện Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng có chỉ số già hóa rất cao, lần lượt là 76,8 và 70,6%.
Ở cấp địa phương, tỉnh duy nhất có số người già nhiều hơn trẻ em là Bến Tre. Chỉ số già hóa ở đây lên tới 100,1%. Thái Bình, Vĩnh Long, Nam Định là 3 tỉnh có chỉ số già hóa rất cao, lần lượt là 98,6 - 95,1 và 90,8.
Hà Nội và TPHCM có chỉ số già hóa tương đương nhau (65,7 và 65,2%). Tuy nhiên, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở Hà Nội cao hơn hẳn (10,5%), trong khi TPHCM là 7,5%.
Dự báo dân số cũng chỉ ra, năm 2019 Việt Nam chưa có tỉnh nào có lượng người cao tuổi nhiều hơn số trẻ em, nhưng vào năm 2029 sẽ có 14 tỉnh và năm 2039 sẽ có 41 tỉnh.
Mỗi người cao tuổi Việt Nam có trung bình 3-4 bệnh mạn tính
Tuổi thọ người dân Việt Nam tăng nhanh, năm 2024, con số này là 74,7 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Dù vậy, số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ 65 tuổi.
Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống và đối mặt với các vấn đề sức khỏe, bệnh tật.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, người cao tuổi Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép: vừa là hậu quả tích lũy của các bệnh lý mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, sa sút trí tuệ… vừa có nguy cơ cao gặp phải các tình trạng suy giảm chức năng, biến chứng điều trị, lệ thuộc thuốc và giảm chất lượng sống.
Trong khi sức khỏe là điều kiện tiên quyết để có cuộc sống tích cực thì mỗi người cao tuổi Việt Nam có tới 3 đến 4 bệnh mạn tính kèm theo.
Theo Bộ Y tế, dù chỉ chiếm 16% dân số nhưng nhóm người cao tuổi sử dụng trên 50% chi phí điều trị mỗi năm. Chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp gần 10 lần người trẻ.
Để chăm lo cho người cao tuổi, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hằng năm, ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 28.000 tỷ đồng để chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người cao tuổi.
Đến nay, 95% người cao tuổi đã được cấp thẻ BHYT. Hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng...
Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người cao tuổi để đánh giá tình hình, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay trách nhiệm đề xuất nâng mức kinh phí hỗ trợ cho các chi hội người cao tuổi thuộc Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Bộ Y tế sẽ phối hợp xây dựng chính sách phù hợp với người cao tuổi khi có đề nghị từ các đơn vị liên quan.