Bộ Tư pháp công bố về công tác tổ chức cán bộ hệ thống Thi hành án dân sự
Bộ Tư pháp công bố về công tác tổ chức cán bộ hệ thống thi hành án với mô hình quản lý 2 cấp gồm Cục Thi hành án dân sự ở trung ương và 34 cơ quan THADS tỉnh, thành phố.
Ngày 4-7-2025, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ công bố các quyết định về công tác tổ chức cán bộ hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) và ra mắt phần mềm biên lai điện tử THADS. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì Lễ công bố.
Tại buổi Lễ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp Phan Thị Hồng Hà đã công bố Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý THADS.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp Phan Thị Hồng Hà công bố các quyết định tại buổi lễ. Ảnh: CTV
Theo đó, ngày 25-6-2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1898/QĐ-BTP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý THADS.
Cục Quản lý THADS là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về THADS, thi hành án hành chính và thừa phát lại theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
Cục có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định pháp luật, có trụ sở tại Hà Nội.
Về cơ cấu tổ chức và biên chế, Cục được tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, ở cấp trung ương có 6 Ban chức năng và Văn phòng. Ở cấp địa phương, gồm 34 cơ quan THADS tỉnh, thành phố, với tổng cộng 355 Phòng THADS khu vực, các phòng và tương đương khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp công bố các quyết định về tổ chức cán bộ hệ thống thi hành án dân sự. Ảnh: CTV
Cũng tại buổi Lễ, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp Phan Thị Hồng Hà đã công bố các Quyết định thành lập THADS 34 tỉnh, thành phố.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới đã tinh gọn một cấp trung gian (cấp huyện), tăng cường tính chuyên môn hóa, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và hiệu quả thi hành án.
Cơ quan THADS cấp tỉnh đảm nhiệm vai trò chỉ đạo trực tiếp, toàn diện cả về tổ chức nhân sự và nghiệp vụ trên địa bàn, giúp kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là đối với hoạt động của Chấp hành viên.
Đồng thời, mô hình mới phân tách rõ ràng chức năng quản lý hành chính và chuyên môn. Lãnh đạo Phòng THADS khu vực không còn thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản và ban hành quyết định thi hành án, nhờ đó có điều kiện tập trung chỉ đạo nghiệp vụ, giảm thiểu các sai sót do hạn chế trong năng lực quản lý trước đây.
Tổ chức bộ máy theo hướng mới cũng giúp rút ngắn quy trình nghiệp vụ, loại bỏ được cơ chế ủy thác giữa các khu vực trong cùng một tỉnh, qua đó nâng cao tốc độ và hiệu quả thi hành án. Cùng với đó, việc tập trung đầu mối quản lý tài chính, tài sản ở cấp tỉnh không chỉ tăng hiệu lực kiểm tra, giám sát mà còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh không còn chính quyền cấp huyện, mô hình mới tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan THADS cấp tỉnh phối hợp trực tiếp, hiệu quả với các cơ quan cấp tỉnh trong công tác cưỡng chế, xác minh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Việc tập trung nguồn lực, biên chế và khối lượng công việc tại cấp tỉnh cũng từng bước nâng cao vị thế của cơ quan THADS, tiệm cận với vai trò, chức năng của các cơ quan ngang cấp Sở, góp phần tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành và thực thi pháp luật tại địa phương.
Đồng thời, với việc tổ chức bộ máy theo mô hình 1 cấp tại địa phương, lược bỏ cấp trung gian, hệ thống THADS cũng tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục THADS.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thắng Lợi, Cục trưởng Cục Quản lý thi hành án dân sự cho biết đây là sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt đối với hệ thống Thi hành án dân sự, đánh dấu sự vận hành chính thức mô hình mới của hệ thống THADS 2 cấp, gồm cơ quan quản lý THADS ở Trung ương và một cấp Thi hành án dân sự tại 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 355 Phòng Thi hành án dân sự khu vực.
Việc tổ chức lại hệ thống Thi hành án dân sự theo mô hình 2 cấp không chỉ là sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược về tư duy quản lý, chỉ đạo, điều hành cho sự phát triển dài hạn; tạo động lực và nguồn lực mới, tận dụng sức mạnh cộng hưởng để xây dựng hệ thống thi hành án dân sự “liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ cương, hiệu quả”.
Cũng tại buổi lễ, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Hệ thống Biên lai điện tử. Theo đó, chỉ trong tuần vận hành đầu tiên, tính từ 23-6, hệ thống đã ghi nhận gần 3000 biên lai điện tử được phát hành, tương đương gần 2.000 tỉ đồng thu - nộp.
Bộ Tư pháp chính thức khai trương Hệ thống Biên lai điện tử. Ảnh: CTV
Hệ thống là một trong những phân hệ quan trọng thuộc nền tảng số Thi hành án dân sự nhằm giảm thiểu thao tác thủ công, rút ngắn thời gian xử lý, hạn chế sai sót và tăng cường quản lý tập trung.
Thông qua ứng dụng công nghệ AI, hệ thống cho phép số hóa và tự động hóa toàn bộ quy trình tạo lập biên lai. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin biên lai mọi lúc, mọi nơi qua cổng điện tử, đảm bảo tính công khai và thuận tiện.
Trước đó, vào ngày 23-6-2025, Hệ thống Biên lai điện tử đã được vận hành triển khai thí điểm tại TP.HCM, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành THADS tại một trong những địa phương có khối lượng công việc lớn nhất cả nước.
Năm 2024, hệ thống thi hành án dân sự trên toàn quốc phải thi hành hơn 1 triệu quyết định thi hành án, với tổng số tiền trên 400.000 tỉ đồng và khoảng 10 triệu biên lai giấy được phát hành.