Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hành vi lạm quyền của cảnh sát thành phố Louisville
Ngày 26/4, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo mở cuộc điều tra về hành vi lạm quyền 'có hệ thống' của cảnh sát thành phố Louisville, bang Kentucky. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh dư luận nước này bất bình trước các vụ khống chế quá tay của cảnh sát da trắng đối với người Mỹ da màu.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết cuộc điều tra trên sẽ làm rõ vấn nạn lạm dụng quyền lực, bắt giữ và lục soát người bất hợp pháp của cảnh sát tại Louisville và tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Phi tại đây. Theo ông Garland, giới chức liên bang cũng sẽ làm rõ hành vi lạm dụng quyền lực của cảnh sát thành phố Louisville trong việc khống chế người biểu tình.
Trước đó vài ngày, Bộ Tư pháp Mỹ cũng mở cuộc điều tra tương tự nhằm vào lực lượng cảnh sát thành phố Minneapolis sau khi xảy ra vụ cảnh sát da trắng Derek Chauvin khống chế mạnh tay người đàn ông da màu tên George Floyd hồi tháng 5/2020 khiến người này tử vong. Bộ trưởng Garland khẳng định sẽ thực hiện tất cả các biện pháp nhằm đảm bảo tính hợp hiến và hợp pháp của nhiệm vụ cũng như thẩm quyền của cảnh sát.
Hai cuộc điều tra này được cho là có thể buộc lực lượng cảnh sát địa phương thực thi các cải cách. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền liên bang đã tránh không gây sức ép buộc cơ quan cảnh sát địa phương tiến hành cải tổ. Do vậy, hai cuộc điều tra trên cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn cảnh sát phải chịu trách nhiệm trước các vụ phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng đối với các công dân da màu.
Cảnh sát thành phố Louisville đối mặt với nhiều sức ép sau khi xảy ra cái chết của Breonna Taylor, một người Mỹ gốc Phi. Hồi tháng 3/2020, cô Taylor, 26 tuổi đã bị bắn chết trong một cuộc đột kích nhầm của cảnh sát vào căn hộ của cô này để truy bắt hai đối tượng tình nghi buôn bán ma túy. Cảnh sát đã không tìm thấy ma túy trong căn hộ của Taylor. Cảnh sát Louisville ban đầu cho rằng những cảnh sát tham gia cuộc đột kích trên không có sai phạm nào. Đến tháng 9, một bồi bồi thẩm đoàn Kentucky đã đưa ra phán quyết chỉ truy tố một cựu sĩ quan cảnh sát, trong khi hai sĩ quan cảnh sát khác có liên quan đến vụ việc không bị đưa ra xét xử. Điều này khiến dư luận địa phương phẫn nộ và kéo theo các cuộc biểu tình phản đối. Nhằm xoa dịu làn sóng phản đối, chính quyền thành phố Louisville đã đồng ý bồi thường 12 triệu USD cho gia đình Taylor, đồng thời thực thi một số cải cách nhất định.