Bộ Tư pháp Mỹ: Google phải bán Chrome để khôi phục sự cạnh tranh trong tìm kiếm trực tuyến
Google phải bán trình duyệt Chrome, chia sẻ dữ liệu và kết quả tìm kiếm với các đối thủ cạnh tranh và thực hiện các biện pháp khác, gồm cả việc có thể bán Android, để chấm dứt tình trạng độc quyền của mình trong tìm kiếm trực tuyến, các công tố viên trình bày với một thẩm phán hôm 20.11.
Các biện pháp do Bộ Tư pháp Mỹ trình bày là một phần của vụ án mang tính bước ngoặt tại Mỹ có khả năng định hình lại cách người dùng tìm kiếm thông tin. Nếu được áp dụng, các biện pháp này sẽ có hiệu lực trong thời gian tối đa 10 năm, được giám sát bởi một ủy ban do tòa án bổ nhiệm nhằm khắc phục những gì mà thẩm phán cho là độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm và liên quan quảng cáo tại Mỹ, nơi Google xử lý 90% các truy vấn tìm kiếm.
"Hành vi bất hợp pháp của Google đã tước đi của các đối thủ không chỉ các kênh phân phối quan trọng mà còn cả các đối tác phân phối, những người có thể tạo điều kiện cho các đối thủ của Google tham gia vào thị trường này bằng các cách thức mới và sáng tạo", Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của tiểu bang cho biết trong hồ sơ nộp lên tòa án hôm 20.11.
Đề xuất của họ gồm cả việc chấm dứt các thỏa thuận độc quyền mà trong đó Google trả hàng chục tỉ USD hàng năm cho Apple và các nhà cung cấp thiết bị khác để biến công cụ tìm kiếm của mình thành mặc định trên máy tính bảng và smartphone.
Google gọi các đề xuất này là “gây sốc” trong một tuyên bố hôm 21.11.
"Cách tiếp cận của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ dẫn đến sự can thiệp chưa từng có từ chính phủ, gây tổn hại đến người tiêu dùng, nhà phát triển và doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, đồng thời đe dọa vị trí dẫn đầu kinh tế và công nghệ toàn cầu của Mỹ vào đúng thời điểm cần thiết nhất", Kent Walker, Giám đốc pháp lý Alphabet (công ty mẹ Google), tuyên bố.
Thẩm phán liên bang Amit Mehta đã lên lịch xét xử các đề xuất này vào tháng 4.2025, dù Tổng thống đắc cử Donald Trump và người đứng đầu chống độc quyền tiếp theo của Bộ Tư pháp Mỹ có thể can thiệp và thay đổi hướng đi trong vụ án.
Vào tháng 8, Amit Mehta từng ra phán quyết rằng Google độc quyền thị trường tìm kiếm một cách bất hợp pháp.
Ủy ban kỹ thuật
Các đề xuất này có phạm vi rộng, gồm cả lệnh cấm Google quay trở lại thị trường trình duyệt trong 5 năm và yêu cầu hãng bán hệ điều hành di động Android của mình nếu các biện pháp khắc phục khác không khôi phục được sự cạnh tranh. Bộ Tư pháp Mỹ còn yêu cầu cấm Google mua hoặc đầu tư vào các đối thủ tìm kiếm, những sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên truy vấn hoặc công nghệ quảng cáo.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các nhà xuất bản và trang web cũng sẽ được cung cấp một cách để từ chối tham gia đào tạo các sản phẩm AI của Google.
Một ủy ban kỹ thuật gồm 5 người do thẩm phán chỉ định sẽ sẽ giám sát việc tuân thủ các đề xuất của bên công tố. Ủy ban này, do Google trả tiền, sẽ có quyền yêu cầu tài liệu, phỏng vấn nhân viên và nghiên cứu mã phần mềm, theo hồ sơ tòa án.
Các biện pháp này nhằm mục đích phá vỡ "vòng lặp phản hồi liên tục khiến vị thế của Google ngày càng được củng cố" thông qua người dùng, dữ liệu và tiền quảng cáo bổ sung, các công tố viên cho biết.
Chrome và Android
Chrome là trình duyệt web được sử dụng rộng rãi nhất thế giới và là trụ cột trong hoạt động kinh doanh của Google, cung cấp thông tin người dùng giúp công ty nhắm mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn và có lợi nhuận hơn.
Các công tố viên cho biết Google đã sử dụng Chrome và Android để ưu tiên công cụ tìm kiếm của mình, gây bất lợi cho các đối thủ.
Google cho biết việc bắt họ thoái vốn khỏi Chrome và Android, được xây dựng trên mã nguồn mở và miễn phí, sẽ gây tổn hại cho các công ty đã xây dựng trên chúng để phát triển sản phẩm của riêng mình.
Các đề xuất sẽ cấm Google yêu cầu những thiết bị chạy Android phải bao gồm sản phẩm tìm kiếm hoặc AI của mình, tức không bị bắt buộc phải cài đặt sẵn dịch vụ tìm kiếm Google Search hoặc sản phẩm AI như Gemini.
Google sẽ có lựa chọn bán Android để thay thế việc tuân thủ. Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của tiểu bang sẽ phê duyệt bất kỳ người mua Android tiềm năng nào.
Google sẽ có cơ hội trình bày các đề xuất của riêng mình vào tháng 12.
Chia sẻ dữ liệu
Theo các đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ, Google sẽ bị yêu cầu cấp phép kết quả tìm kiếm cho các đối thủ cạnh tranh với chi phí danh nghĩa và chia sẻ dữ liệu thu thập được từ người dùng với các đối miễn phí.
Google sẽ bị cấm thu thập bất kỳ dữ liệu người dùng nào mà họ không thể chia sẻ vì lo ngại về quyền riêng tư.
Các công tố viên đã soạn thảo các đề xuất sau khi trao đổi với các công ty cạnh tranh với Google, gồm cả hãng sở hữu công cụ tìm kiếm DuckDuckGo.
"Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề thực sự lớn và sẽ giảm bớt rào cản cạnh tranh", Kamyl Bazbaz, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của DuckDuckGo, nói.
DuckDuckGo đã cáo buộc Google cố gắng né tránh các quy tắc của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu chia sẻ dữ liệu. Trong khi Google tuyên bố sẽ không làm tổn hại đến lòng tin của người dùng bằng cách cung cấp dữ liệu nhạy cảm cho các đối thủ cạnh tranh.
Ông Trump sẽ can thiệp vì đại cuộc dù từng muốn truy tố Google?
Google kiểm soát cách mọi người xem internet và những quảng cáo họ thấy một phần thông qua Chrome. Đây là trình duyệt mặc định sử dụng công cụ tìm kiếm Google, thu thập thông tin quan trọng với hoạt động quảng cáo của gã khổng lồ công nghệ này và ước tính chiếm khoảng 2/3 thị phần trình duyệt toàn cầu.
Hôm 8.11, Google, thông qua tuyên bố của Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý Lee-Anne Mulholland, cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang thúc đẩy một "chương trình nghị sự cực đoan vượt xa các vấn đề pháp lý trong vụ án" và điều này sẽ gây hại cho người tiêu dùng.
Động thái nêu trên sẽ là một trong những nỗ lực quyết liệt nhất của chính quyền Biden nhằm hạn chế những gì họ cáo buộc là độc quyền của các hãng công nghệ lớn. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể tạo ra tác động lớn đến vụ án.
Hai tháng trước cuộc bầu cử, Trump tuyên bố sẽ truy tố Google vì những gì ông cho là thiên vị bà Harris để chống lại mình. Song một tháng sau, ông Trump đặt câu hỏi liệu việc chia nhỏ Google có phải là một ý
Chrome có thị phần rất lớn nên đóng vai trò quan trọng trong doanh thu của Google. Khi người dùng đăng nhập vào Chrome bằng tài khoản Google, công ty có thể cung cấp quảng cáo tìm kiếm nhắm mục tiêu tốt hơn.
Google khẳng định công cụ tìm kiếm của mình đã chiếm được người dùng nhờ chất lượng, đồng thời nhấn mạnh công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Amazon và các trang web khác, đồng thời người dùng có thể chọn công cụ tìm kiếm khác làm mặc định.
Ông Trump từng chỉ trích Google trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloomberg hôm 15.10. Thế nhưng, chính trị gia của đảng Cộng hòa thừa nhận Google có sức mạnh và từ chối nói ông ủng hộ việc chia tách công ty này.
Khi được hỏi "Google có nên bị chia tách không?", Trump cho biết Google có "nhiều quyền lực" và ông sẽ "làm điều gì đó" về vấn đề này nhưng không đến mức ủng hộ việc chia tách công ty.
"Họ đối xử rất tệ với tôi", Trump nói, cáo buộc rằng gã khổng lồ tìm kiếm này đã "gian lận" và không đưa ra những câu chuyện tích cực về ông. Trump cũng cho biết ông đã gọi điện cho lãnh đạo Google để bày tỏ mối quan ngại của mình.
Tuy nhiên, các vấn đề chống độc quyền liên quan đến Google khó khăn hơn để xem xét, ông Trump cho biết.
"Tôi dành cho Google rất nhiều sự tín nhiệm, họ đã trở thành một thế lực lớn. Bạn biết đấy, cách họ trở thành một thế lực là chủ đề đáng bàn luận. Việc có các công ty lớn mạnh như Google là cần thiết cho nước Mỹ. Chúng ta không muốn Trung Quốc có những công ty tương tự. Hiện tại, Trung Quốc sợ Google", ông Trump nói.
Trump cũng đề cập đến lập trường đang thay đổi của mình về TikTok, mà ban đầu ông muốn cấm trước khi tham gia ứng dụng này.
"Tôi nghĩ mọi thứ đều là mối đe dọa. Đôi khi bạn phải chiến đấu với các mối đe dọa", ông Trump chia sẻ với Bloomberg về TikTok.
Số phận TikTok tại Mỹ đã được cải thiện rất nhiều sau khi ông Trump đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai giúp định giá chủ sở hữu ứng dụng này là ByteDance (Trung Quốc) tăng vọt, theo các nhà quan sát và người trong ngành.
Dù đã nỗ lực cấm TikTok vì lý do an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của mình, ông Trump đã tham gia nền tảng này vào tháng 6 và có hơn 14 triệu người theo dõi tài khoản. Hồi tháng 9, Trump cho biết việc bỏ phiếu cho ông sẽ giúp "cứu TikTok".
Karoline Leavitt, phát ngôn viên của nhóm chuyển giao của Trump, nói Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ "thực hiện những lời hứa mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử", nhưng không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào, theo hãng tin ABC News.
Neil Chilson, cựu giám đốc công nghệ tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), nói với trang Insider rằng những ý tưởng của ông Trump về biện pháp khắc phục chống lại Google có thể ảnh hưởng đến kết quả vụ kiện.
"Trump sẽ chọn ai sẽ là Bộ trưởng Tư pháp và ai sẽ là Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền phụ trách chống độc quyền. Họ sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục vụ kiện này, có khả năng sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử. Vì vậy, chắc chắn có cách để những ưu tiên của Trump về các biện pháp mà Bộ Tư pháp Mỹ theo đuổi sẽ được phản ánh trong những gì Bộ này nói và nộp lên tòa", Neil Chilson nhận xét.
Neil Chilson nói thêm: "Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là thẩm phán sẽ bị thuyết phục, nhưng những ưu tiên của ông ấy có thể tạo ra sự khác biệt".
Vừa được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Matt Gaetz có lịch sử xung đột với ngành công nghệ, đề xuất rằng người Mỹ có "nghĩa vụ sử dụng" quyền Tu chính án thứ Hai khi đối mặt với việc các công ty ở Thung lũng Silicon kiểm duyệt quan điểm bảo thủ. Việc bổ nhiệm Matt Gaetz cần sự phê chuẩn từ Thượng viện và điều này chưa chắc chắn xảy ra.
Tu chính án thứ Hai là một trong những điều khoản được tranh cãi nhiều nhất trong Hiến pháp Mỹ. Nó quy định về quyền của người dân Mỹ được sở hữu và mang vũ khí.