Bộ Tư pháp quán triệt, định hướng công tác tư pháp tại địa phương sau sắp xếp tổ chức bộ máy
Sáng 11-7, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Bộ Tư pháp với sở tư pháp các tỉnh, thành phố về công tác tư pháp tại địa phương sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa, ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Giám đốc Sở Tư pháp tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở Tư pháp Khánh Hòa.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe lãnh đạo Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý quán triệt những nội dung cơ bản về thực hiện phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; định hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho công chức, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực tư pháp của địa phương khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, hướng dẫn sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) pháp luật để giải đáp các vấn đề pháp lý ở 33 lĩnh vực, trong đó có phân cấp, phân quyền; đồng thời giải đáp vướng mắc, kiến nghị của sở tư pháp các địa phương liên quan đến các lĩnh vực: Bồi thường nhà nước; kế hoạch - tài chính; thi hành án dân sự, thừa phát lại.

Các cán bộ ngành Tư pháp Khánh Hòa tham dự hội nghị.
Được biết, trước khi thực hiện phân quyền, phân cấp, Bộ Tư pháp trực tiếp giải quyết 64 thủ tục hành chính (TTHC). Qua rà soát, có 9 TTHC không cần thực hiện phân quyền, phân cấp vì là các TTHC đã thực hiện toàn trình, không phụ thuộc vào địa giới hành chính hoặc các TTHC vừa thực hiện ở Trung ương và ở các cấp địa phương. Với 55 TTHC còn lại, Bộ Tư pháp đề xuất phân quyền, phân cấp 54 TTHC. Trong đó, 37 TTHC phân quyền, phân cấp cho UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; 17 TTHC phân cấp cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện (tỷ lệ đề xuất phân quyền, phân cấp đạt 98,2%). Để đổi mới, tăng cường công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp yêu cầu tập trung nâng cao kiến thức, hiểu biết cho cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp về các văn bản, quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp; trong đó, tập trung về thể chế, nội dung ưu tiên triển khai, phương thức triển khai, chủ thể, nguồn lực bảo đảm, truyền thông chính sách, giải pháp triển khai công tác PBGDPL gắn với phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.