Bộ Tư pháp tập huấn kiến thức pháp luật về quyền dân sự, chính trị tại Thanh Hóa
Chiều 31/10, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp Thanh Hóa tổ chức hội nghị tập huấn nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho gần 150 đại biểu tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Hội nghị có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Quế - Trưởng phòng Tiếp cận pháp luật và Hòa giải ở cơ sở, Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh; UBND huyện Cẩm Thủy; Báo cáo viên, tuyên truyền viên Pháp luật, công chức phòng Tư pháp huyện và gần 150 đại biểu là người có uy tín trong cộng đồng, trưởng cụm dân cư, hòa giải viên ở cơ sở, đại diện các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu dự hội nghị được nghe TS. Nguyễn Mai Thuyên - Trưởng Bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), cũng như việc quy định những quyền đó trong pháp luật Việt Nam.
ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/2/1966, có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. ICCPR điều chỉnh những quyền cơ bản của con người thuộc phạm trù các quyền dân sự, chính trị. Tầm quan trọng và ý nghĩa của nó được thể hiện rõ qua việc tính đến tháng 7/2015, có 168 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này. Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982.
Những nội dung quan trọng của ICCPR bao gồm: quyền tự quyết; quy định về nguyên tắc bình đẳng, tạm đình chỉ các quyền trong tình trạng khẩn cấp và không được lạm dụng các quy định của Công ước; quy định về các nội dung của các quyền dân sự (quyền sống, quyền không bị tra tấn, quyền không bị bắt làm nô lệ... ); các quyền chính trị (quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tham gia đời sống chính trị) và một số quyền của trẻ em, quyền của người thiểu số.
Sau hơn 30 năm qua kể từ ngày gia nhập ICCPR, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để bảo đảm và phát huy các quyền dân sự và chính trị được quy định trong ICCPR, trong đó thể hiện rõ nét ở việc nội luật hóa các quy định của công ước này trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
TS. Nguyễn Mai Thuyên đã tập trung phân tích Quyền dân tộc tự quyết; Quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử; Quyền sống, tự do và an ninh cá nhân; Quyền được xét xử công bằng; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; Quyền được bảo vệ sự riêng tư; Quyền tham gia chính trị;… được quy định trong Pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, Giảng viên Nguyễn Mai Thuyên cũng giới thiệu với các đại biểu về thành tựu Việt Nam đạt được tại Báo cáo quốc gia lần thứ IV thực thi Công ước ICCPR, các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.
Cũng tại hội nghị, báo cáo viên và các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, giải đáp vướng mắc, khó khăn trong áp dụng và thực hiện các quy định pháp luật về quyền dân sự, chính trị.