Bộ Tư pháp triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm trong 06 tháng cuối năm 2024
Sáng ngày 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương.
Tại điểm cầu Trà Vinh có Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Sáng Tươi cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều lĩnh vực công tác có kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành được Quốc hội thông qua, được Chính phủ ban hành.
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Thể chế trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quản lý nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp... Những kết quả trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tư pháp 06 tháng đầu vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; kết quả thi hành án dân sự chưa đạt được như kỳ vọng; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực chưa kịp thời; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng...
Hội nghị cũng nghe các đại biểu trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng; phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; thi hành án dân sự; kinh nghiệm triển khai số hóa sổ hộ tịch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết thi hành Luật Đấu giá tài sản...
Triển khai thực hiện nhiệm vụ 06 tháng cuối năm, ngành Tư pháp đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Tham mưu thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề án năm 2024.
Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực phụ trách. Tích cực, chủ động tham mưu các giải pháp phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng ngành.
Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; xây dựng dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Bộ, ngành Tư pháp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua, đồng thời đề nghị các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bám sát chỉ đạo của Trung ương, địa phương, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra; chuẩn bị tốt hội nghị triển khai công tác xây dựng luật, pháp lệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực phụ trách.
Tin, ảnh: SƠN TUYỀN