Bỏ túi bạc triệu khi nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi

Việc nuôi cá trên ruộng lúa trong nhiều năm qua của người dân trên địa bàn TX. Ngã Năm đã phát triển khá mạnh và được quy tụ cả một vùng nuôi cá trên ruộng lúa - người nông dân hay gọi là 'nuôi cá đăng quầng' - khi mùa nước nổi về.

Ông Lê Văn Xe, ở khóm Tân Quới, Phường 2 (TX. Ngã Năm) bên ruộng lúa mùa nước nổi dành nuôi cá của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Lê Văn Xe, ở khóm Tân Quới, Phường 2 (TX. Ngã Năm) là một trong những hộ nông dân có kinh nghiệm nhiều năm với mô hình nuôi cá mùa nước nổi. Ông Xe bộc bạch: “Tôi có tổng diện tích đất ruộng là 2ha, sản xuất lúa 2 vụ/năm, khi vụ Thu - Đông thu hoạch xong cũng là lúc mùa nước nổi về tràn đồng”.

Ông Xe nhớ lại: “Mười năm về trước, hễ có nước nổi thì bà con tranh thủ giăng lưới trên ruộng nhà kiếm thêm thu nhập, bởi con nước đổ về rất lớn, nguồn cá dồi dào với đủ chủng loại cá, tôm, tép, cua đồng, rùa, rắn, ếch… Lúc bấy giờ, các loại cá đồng loại nhỏ dùng làm cá mồi, làm mắm, ủ nước mắm, chỉ bán cá lớn nhưng giá bán cá thấp. Sau này, nguồn nước không còn dồi dào cá như trước, vì vậy, ai có ruộng thì người đó tranh thủ bắt cá ngay trên ruộng nhà bằng những dụng cụ như giăng lưới hay đặt lờ, lợp. Cá không nhiều nên nguồn thu nhập mùa nước nổi không đáng kể”.

Cũng theo lời chia sẻ của ông Xe, thấy mùa nước là cơ hội để phát triển nghề nuôi cá trên đồng, một vài hộ bắt đầu nuôi thử nghiệm và đem về nguồn thu nhập khá nên các cấp chính quyền đã tuyên truyền nhân rộng mô hình nuôi cá đăng quầng để người dân học hỏi làm theo. “Ngay chính bản thân tôi, lúc trước chỉ bắt cá bằng lưới nếu ít để ăn còn nhiều bán kiếm thêm tiền mua mắm muối trong nhà. Nhưng khi được địa phương tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, tôi đã mạnh dạn bắt tay làm ngay. Vụ lúa Thu - Đông, thời điểm gieo sạ 2 tháng, tôi mua 50kg cá giống các loại như: cá lóc, cá trê vàng, cá sặc rằn, rô phi thả vào ruộng lúa, lúc cá nhỏ chỉ cần chúng ăn một số loài sinh vật có trong lúa sẽ lớn và khi thu hoạch lúa Thu - Đông xong là mùa nước nổi đến cá vẫn tiếp tục sống trong ruộng lúa. Để đảm bảo đàn cá khi nước nổi tràn đồng, phải dùng lưới bao quanh ruộng nuôi cá” - ông Xe cho biết thêm.

Thường mực nước nổi về trong khoảng thời gian từ 3 - 4 tháng, mực nước năm nay tầm 40cm. Do vậy, phải bao lưới quanh ruộng nuôi cá, cao hơn mặt nước khoảng 30cm - 40cm để tránh thất thoát và hao hụt cá. Với số lượng 50kg cá giống thả nuôi trong mùa nước nổi, ông Xe có thu nhập hơn 50 triệu đồng/đợt/năm. Bí quyết của ông Xe để đảm bảo lợi nhuận nuôi cá, ông thường chọn cá nuôi theo thị hiếu và nhu cầu thị trường tiêu thụ, cá thích nghi, phát triển tốt và ăn các loại thức ăn có sẵn trên ruộng, thường xuyên kiểm tra cống, bọng, lưới bao quanh ruộng đảm bảo lưới không rách, thủng thì cá không thoát ra ngoài…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Võ Văn Bé cho biết: “Việc nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi giúp tăng độ phì nhiêu cho đất do phân của cá tích lũy ở mặt ruộng cũng như giảm chi phí cho việc chuẩn bị ruộng và phân bón cho mùa vụ lúa tiếp theo, góp phần hạn chế sử dụng nông dược độc hại cho người và môi trường. Chính vì vậy, phong trào nuôi cá trong ruộng mùa nước nổi trên địa bàn TX. Ngã Năm phát triển khá mạnh, diện tích, quy mô không ngừng được mở rộng. Vì đây là mô hình nuôi đơn giản, người dân chỉ đầu tư con giống ban đầu, không tốn nhiều chi phí thức ăn, ít tốn công chăm sóc, thời gian nuôi ngắn nhưng hiệu quả khả quan”.

Có thể nói, mô hình nuôi cá trên ruộng vào mùa nước nổi vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn. Đây là mô hình sẽ tiếp tục được Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhân rộng để cải thiện cuộc sống cho người trồng lúa.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/bo-tui-bac-trieu-khi-nuoi-ca-tren-ruong-mua-nuoc-noi-32169.html