Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Vivaso không hợp tác thoái vốn Hãng phim truyện
Về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTT&DL đã thông tin về những vướng mắc trong cuộc họp thường kỳ quý I.
Sáng 24/3, trong cuộc họp thường kỳ quý I của Bộ VHTT&DL, các vấn đề nóng ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được đề cập. Một trong số vấn đề được báo chí quan tâm là việc cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phan Linh Chi nêu ra những vướng mắc khiến những tồn tại trong việc cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam chưa thể giải quyết dứt điểm.
"Đến thời điểm này, nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) vẫn chưa đưa ra được văn bản tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại khi thực hiện hoàn trả cổ phần cho Nhà nước đã mua tại Hãng phim Truyện Việt Nam.
Mặc dù nhà đầu tư chiến lược không có hợp tác tích cực, Bộ VHTT&DL cũng đã có văn bản, đồng thời dự thảo quyết định, gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về kiến nghị và phương thức xử lý. Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã có ý kiến về cơ sở pháp lý mà ban hành quyết định thu hồi, nhận lại số cổ phần và hoàn trả tiền cho Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mà không có sự thống nhất hoạt động là không phù hợp. Bộ VHTT&DL không thể đơn phương thực hiện vấn đề này".
Vướng mắc thứ hai được nêu ra liên quan đến nguồn tiền chi trả: "Nếu Vivaso đưa ra số tiền cụ thể, có tính hợp lệ, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, sau đó sẽ đưa vào dự toán chi hàng năm của Bộ VHTT&DL, tất cả đều phải có quy trình. Thêm vào đó, ngày 22/3, Bộ VHTT&DL có báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái rất cụ thể, chi tiết về lộ trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Không những Bộ VHTT&DL phải báo cáo mà cả Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều trùng khớp", bà Chi cho biết.
Còn về hiện trạng kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam có dấu hiệu ẩm mốc, bà Phan Linh Chi cho biết Cục điện ảnh, Viện phim Việt Nam đã xuống kiểm tra, làm việc với Hãng và có báo cáo: "Trong 291 bộ phim đang lưu tại hãng thì 278 bộ phim đã được lưu trữ bản gốc tại Viện phim Việt Nam. Còn 13 phim còn lại, không lưu tại Viện Phim Việt Nam vì đây là những phim Hãng này làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị bên ngoài như "Điện ảnh chiều thứ Bảy" của Đài Truyền hình Việt Nam và các phim hợp tác sản xuất bên ngoài. Vì thế chúng ta có quyền yên tâm là các bản phim gốc đang được bảo quản tốt và không lo sợ sẽ bị mất mát".
Song song với việc giải quyết câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTT&DL cho biết vẫn đang nghiên cứu tìm nhà đầu tư cho lĩnh vực này. Bà Phan Linh Chi nói: Dù Vivaso chưa thoái vốn nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng nhiều lần tìm kiếm đối tác chiến lược khác. Tuy nhiên, việc này chưa thành công do đặc thù của ngành điện ảnh vốn nhiều thách thức, giờ càng khó khăn hơn sau đại dịch.
Trước đó, vào năm 2017, Đài Tiếng nói Việt Nam có ý định muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của hãng, nhưng sau đó rút lại ý định do không đủ tiềm lực tài chính.
Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được tiến hành từ năm 2014. Với 32,5 tỷ đồng, Vivaso giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược.
Những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ kết luận theo Văn bản số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018: Giá trị đất đai và quyền, ưu thế sử dụng đất đai được định giá bằng 0; chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim; quá trình thực hiện vi phạm Luật Đấu thầu, chỉ có một nhà đầu tư là cổ đông chiến lược (Vivaso) không có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến sản xuất phim và văn hóa điện ảnh, không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu thực tiễn của một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh.
Khi đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là VIVASO rút vốn trước thời hạn.
Những tồn tại trong việc cổ phần hóa khiến suốt nhiều năm qua, Hãng phim truyện không thể thực hiện các dự án phim, đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ không có việc làm, thất nghiệp. Từ đó đến nay, người lao động của Hãng phim bị cắt toàn bộ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Ngày 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát, tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới và có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3.