Bỏ văn mẫu và hành động theo mẫu
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng đề cập về việc loại bỏ văn mẫu trong môn Ngữ văn ở nhà trường và cho rằng: 'Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người'.
QUAN NIỆM CŨ CẦN BỎ
Trước hết, chúng ta cần thấy rằng, “xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định”... là hệ quả của việc dạy học văn theo mẫu đã tồn tại trong thời gian dài. Thực tế, nhiều người hiểu, biết tác hại của việc dạy học Ngữ văn như thế nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở việc phê phán, chỉ trích và đưa ra một số giải pháp ngắn hạn. Cũng có quan điểm bảo lưu việc dạy học theo mẫu như một phương pháp dạy học truyền thống cần giữ lại và phát huy.
Riêng lần này, với việc quyết tâm cải cách nền giáo dục căn bản toàn diện, Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 ra đời có nhiều điểm mới, trong đó cụ thể hóa việc xóa bỏ văn mẫu trong trường học. Giải pháp đưa ra là, thay đổi sách giáo khoa (với nhiều bộ sách); mục tiêu quan trọng cần đạt ở mỗi bài học là hình thành năng lực và phẩm chất cho người học. Với việc thay đổi mục tiêu như vậy, các tiết học riêng lẻ (chủ yếu theo thời gian) trước đây được xây dựng lại thành chủ đề, chủ điểm, đặc trưng thể loại với những bài học sinh động, phong phú hơn.
Và giải pháp đặc biệt quan trong nữa là, cải cách việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn triệt để và “dũng cảm”. Các ngữ liệu, văn bản được sử dụng trong đề thi (giữa kỳ, cuối kỳ…) phải là văn bản ngoài sách giáo khoa. Từ đây, sẽ không còn lối dạy học truyền thụ (giảng bình, đọc chép), lối học thuộc, “học vẹt”. Thầy cô giáo đóng vai trò là người hướng dẫn. Học trò sẽ là người sáng tạo. Theo tôi, đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp chúng ta loại bỏ được văn mẫu trong trường học.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chỉ ra tác hại của văn mẫu là “nó triệt tiêu tự do và vô nghĩa hóa mọi giá trị cá nhân”. Và theo ông, bỏ văn mẫu là một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục. Nghĩa là chúng ta đang dũng cảm bỏ một quan niệm truyền thống về giáo dục.
Bỏ thói quen vốn đã khó. Bỏ một quan niệm, một tư duy, một cách sống đã ăn sâu trong xương tủy thì khó đến nhường nào. Khó là thế, nhưng cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn xã hội, các cấp quản lý, đặc biệt là sự thay đổi của chính đội ngũ thầy cô giáo dạy Ngữ văn.
BỎ VĂN MẪU TRONG CẢ TRƯỜNG HỌC VÀ "TRƯỜNG ĐỜI"
Vì sao chúng ta cần phải tiên quyết loại bỏ văn mẫu trong trường học và rộng ra là cả trong “trường đời”? Bởi phụ thuộc và sử dụng văn mẫu trong quá trình dạy và học môn Ngữ văn khiến tình yêu đối với môn học này mất đi. Đáng ngại hơn là khả năng tư duy độc lập về ngôn ngữ, kỹ năng nói và viết của học sinh hiện nay rất yếu.
Trong khi đó, phát triển kỹ năng giao tiếp, viết, nói, đọc, nghe cho học sinh là vô cùng cần thiết, đó là yếu tố cơ bản để các em có thể diễn đạt tốt điều mình muốn bày tỏ, biết lắng nghe hiểu đúng người khác. Thật đau khổ nếu chúng ta hiểu được một điều gì đó hay, muốn tranh biện một điều gì đó đúng mà lại không thể viết ra được, không thể nói nên lời.
Loại bỏ văn mẫu, theo tôi, là chúng ta đang giúp các em có khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt tốt hơn. Và xa hơn, các em sẽ là người sáng tạo, phát triển, nâng tầm tiếng mẹ đẻ. Loại bỏ văn mẫu còn góp phần giúp học sinh tự tìm ra những năng khiếu đặc biệt còn tiềm ẩn. Đó là các khả năng như hùng biện, tranh biện, viết lách… Như vậy, bỏ văn mẫu chính là đang thêm vào con người các em những giá trị mới.
Từ những vấn đề văn mẫu trong nhà trường, tôi chợt nghĩ đến các loại “văn mẫu” khác trong đời sống hiện đại. Đó là “văn mẫu” tràn lan trong mọi ngành mọi nghề ở Việt Nam. Chẳng hạn, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập bất cứ ngành nghề nào thì diễn văn khai mạc thường theo các mẫu là: “Trong không khí tưng bừng, phấn khởi....” hay “hòa chúng vào không khí tươi vui của….”.
Quả thật, đó là ngôn ngữ khuôn mẫu của một văn bản hành chính. Các bài diễn văn đã thế, các bài phát biểu cảm xúc, bài nói chuyện có tính chia sẻ cá nhân thông thường cũng theo… mẫu. Thành thử, trên lễ đài trang trọng với bạt ngàn hoa, đại biểu say sưa đọc (nhiều khi quên cả dấu chấm, dấu phẩy) không ngưng nghỉ. Người ngồi dưới thì nhốn nháo bình phẩm và vỗ tay thật to khi bài “văn mẫu” của đại biểu kết thúc.
Trong đời sống văn minh, nói theo mẫu đã là nguy hại. Hành động theo mẫu còn nguy hại hơn nhiều lần. Thực tế, cuộc sống của chúng ta đang tồn tại cả hai mối nguy hại ấy. Những diễn văn, bài phát biểu hay thậm chí là ý kiến cũng phải theo… mẫu. Và hành động và sản phẩm đâu đó trong xã hội hiện nay vẫn còn chạy đua theo mẫu. Tỉnh A xây dựng tượng đài nhân vật nọ. Tỉnh B, tỉnh C cũng xây dựng tượng đài nhân vật ấy nhưng “to” hơn. Đó là những cách làm “theo mẫu” gây lãng phí. Nguy hại hơn còn là những chỉ đạo và thực thi các chỉ đạo “theo mẫu”.
Suy nghĩ thật kỹ, chúng ta sẽ nhận ra, hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội lâu nay đều nói và hành động theo “văn mẫu”. Đã đến lúc chúng ta phải phá bỏ bức tường thành bằng “văn mẫu” không chỉ trong trường học mà trong hầu hết lĩnh vực của đời sống. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra những đột phá và thay đổi đúng nghĩa để xã hội Việt Nam từng bước phát triển./.
Sự thay đổi, bước đầu bao giờ cũng khó nhọc, bởi lẽ chúng ta phải “đập bức tường thành cũ” để “xây dựng bức tường mới”. Lòng nhiệt huyết, quyết tâm là chưa đủ, cần sự đổi mới một cách cụ thể, thiết thực mới hy vọng vượt qua được bức tường thành mang tên văn mẫu.
Khi chúng ta xóa được văn mẫu trong trường học, có nghĩa là chúng ta đã ban tặng sự tự do trong suy nghĩ cho học trò. Từ đó, các em được cởi bỏ mọi áp lực về vỏ bọc hình thức để trí tưởng tượng được bay bổng. Đó sẽ là tiền đề quan trọng cho mọi sự sáng tạo từ học trò. Và, tôi tin chắc rằng mọi giờ học văn sẽ trở nên thú vị bởi “tinh thần của các em đã được khai phóng”.
NGUYỄN ĐÌNH ÁNH
Trường THPT Nghi Lộc 2, huyện Nghi Lộc, Nghệ An
(Nguồn: giaoducthoidai.vn)
Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/bo-van-mau-va-hanh-dong-theo-mau-154626