Bộ VHTTDL tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể

Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 1568/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại các tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum và Tuyên Quang.

Việc tổ chức các lớp tập huấn nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức của các dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tình hình mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc

Theo đó, trong Quý III năm 2024, tại Đắk Nông, Bộ VHTTDL tổ chức Lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông cho 86 học viên. Nội dung tập huấn gồm 5 chuyên đề: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa và văn hóa dân tộc; Văn hóa các dân tộc thiểu số - Cơ hội và thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Công tác bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Giải pháp nâng cao phát huy giá trị văn hóa Cồng chiêng vào mục tiêu phát triển kinh tế du lịch; Kỹ thuật và kỹ năng trình diễn nghệ thuật Cồng chiêng.

Tại Kon Tum, tổ chức Lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể về nghề truyền thống đan lát của dân tộc Brâu tỉnh Kon Tum cho 90 học viên. Nội dung tập huấn gồm: Phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; Bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Brâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc Brâu gắn với phát triển du lịch; Giải pháp nâng cao bảo tồn nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Brâu trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kỹ thuật và kỹ năng đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Brâu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tại Tuyên Quang, tổ chức Lớp tập huấn, truyền dạy bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sình ca người Cao Lan cho 80 học viên với các chuyên đề: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa và văn hóa dân tộc; Bản sắc văn hóa truyền thống người Cao Lan trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Cao Lan gắn với phát triển du lịch; Hát Sình ca - Loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Cao Lan; Nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng truyền dạy về bảo tồn, phát huy giá trị hát Sình ca của người Cao Lan trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Hướng dẫn và thực hành nghệ thuật trình diễn hát Sình ca của người Cao Lan. Cùng với đó là Lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống và nghề dệt vải của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch tại huyện Lâm Bình cho 120 học viên với các chuyên đề: Sắc màu trang phục dân tộc Pà Thẻn trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và dưới tác động của sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Trang phục dân tộc Pà Thẻn cùng với phát triển du lịch của địa phương; Chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn phục vụ phát triển du lịch; Thực trạng và công tác bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch; Nhận diện và phát huy giá trị di sản trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong phát triển du lịch.

Các lớp tập huấn do Bộ VHTTDL phối hợp triển khai tại các địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức văn hóa xã, các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch về công tác quản lý văn hóa cơ sở; trang bị kiến thức cơ bản để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch ở địa phương.

Đồng thời nâng cao ý thức, niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; động viên, khuyến khích đồng bào bảo vệ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong gia đoạn hiện nay.

PV

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bo-vhttdl-to-chuc-tap-huan-boi-duong-chuyen-mon-nghiep-vu-truyen-day-van-hoa-phi-vat-the-192024146144616562.htm