Bỏ việc lương cao, nữ thạc sĩ về quê sắm máy lạnh, mở nhạc 'phục vụ' gà

Sau biến cố sức khỏe, nữ thạc sĩ 9X từ bỏ công việc ngân hàng ở thành phố về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi gà ác bằng… âm nhạc.

Ngã rẽ bất ngờ

Sáng sớm cuối tháng 4, chị Phạm Thị Nhân (SN 1992, trú xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) có mặt tại trang trại rộng hơn 3.000m² để bắt đầu công việc thường nhật.

Chị làm vệ sinh chuồng trại, cho gà ăn, kiểm tra hệ thống phun sương, máy lạnh và mở nhạc giao hưởng. Tiếng nhạc vang đều trong không gian, nơi có hàng nghìn con gà ác đang phát triển tốt, đẻ khoảng 2.000 quả trứng mỗi ngày.

Ít ai biết, người phụ nữ nhỏ nhắn này từng là nhân viên của một ngân hàng lớn ở TPHCM, với mức lương khá cao.

Nữ thạc sĩ kinh tế rời phố về quê khởi nghiệp nuôi gà ác. Ảnh: Hà Nam

Nữ thạc sĩ kinh tế rời phố về quê khởi nghiệp nuôi gà ác. Ảnh: Hà Nam

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngân hàng TPHCM và vừa làm vừa học tiếp lên thạc sĩ kinh tế, Nhân từng nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với công việc tài chính giữa “phố thị hoa lệ”.

Thế nhưng, năm 2018, khi đang mang thai con đầu lòng, biến cố ập đến, chị bị tai biến, phải nằm viện hơn một tháng.

Dù con gái chào đời khỏe mạnh nhưng di chứng để lại khiến khuôn mặt Nhân biến dạng nhẹ, thị lực giảm, sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Chồng chị phải bỏ công việc kỹ sư viễn thông về Quảng Nam chăm sóc vợ con.

“Lúc đó tôi rơi vào khủng hoảng, tuyệt vọng. Tôi tự ti về ngoại hình, sức khỏe yếu và từng nghĩ mọi cánh cửa đã khép lại,” chị Nhân nhớ lại.

Chị Phạm Thị Nhân là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Nam được trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2024. Ảnh: NVCC

Chị Phạm Thị Nhân là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Nam được trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2024. Ảnh: NVCC

Năm 2019, tình cờ biết một hộ dân trong xã cần sang nhượng trang trại chăn nuôi, Nhân bàn với chồng vay ngân hàng mua lại để khởi nghiệp.

Không có kinh nghiệm, chị bắt đầu với đàn lợn 200 con. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, dịch tả châu Phi bùng phát khiến chị thua lỗ gần nửa tỷ đồng.

Sắm lò sưởi, máy lạnh cho... gà

Gạt nước mắt sau thất bại, Nhân chuyển sang nuôi gà ác – giống gà nhỏ, thịt đen, giàu dinh dưỡng nhưng chưa phổ biến ở Quảng Nam. Chị vào miền Tây tìm mua 3.000 con giống về nuôi theo mô hình nông nghiệp sạch.

Những ngày đầu, Nhân đối mặt với vô vàn khó khăn như gà ác nhút nhát, dễ giật mình, thời tiết miền Trung lại khắc nghiệt,…

Gà ác có thân hình nhỏ, lông trắng, da, thịt, xương và mỏ đều có màu đen. Ảnh: Hà Nam

Gà ác có thân hình nhỏ, lông trắng, da, thịt, xương và mỏ đều có màu đen. Ảnh: Hà Nam

Chuồng nuôi gà ác đẻ trứng của chị Nhân. Ảnh: Hà Nam

Chuồng nuôi gà ác đẻ trứng của chị Nhân. Ảnh: Hà Nam

Để cải thiện điều kiện sống cho gà, chị cùng chồng nghiên cứu, đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, trang bị máy lạnh, lò sưởi, đệm lót sinh học... và đặc biệt là dàn loa phát nhạc giao hưởng 8 tiếng mỗi ngày.

“Gà ác rất nhạy cảm, nếu bị stress sẽ ăn ít, đẻ không đều. Tôi dùng âm nhạc như một liệu pháp phục vụ chúng thư giãn. Nghe có vẻ lạ nhưng thực tế nhờ vậy, đàn gà ổn định hơn, trứng chất lượng hơn”, chị chia sẻ.

Tính đến nay, chị Nhân đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng cho trang trại. Ảnh: Hà Nam

Tính đến nay, chị Nhân đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng cho trang trại. Ảnh: Hà Nam

Hệ thống chuồng trại được xây dựng hiện đại. Ảnh: Hà Nam

Hệ thống chuồng trại được xây dựng hiện đại. Ảnh: Hà Nam

Hiện mỗi ngày, trang trại của chị Nhân thu hoạch khoảng 2.000 quả trứng, phân phối cho siêu thị, tạp hóa tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và bán online. Mỗi quả trứng có giá từ 3.000 - 3.500 đồng. Phân gà được bán lại cho các vườn cà phê ở Tây Nguyên, giúp tăng thêm thu nhập.

Trung bình mỗi tháng, trang trại đạt doanh thu khoảng 150 triệu đồng.

Năm 2021, sản phẩm trứng gà ác Hảo Nhân được Quảng Nam chứng nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Cách khởi nghiệp táo bạo, khác lạ của cô gái 9X xứ Quảng đã được Trung ương Đoàn vinh danh với Giải thưởng Lương Định Của năm 2024 - phần thưởng dành cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp xuất sắc.

Trứng gà ác có kích thước nhỏ nhưng giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: Hà Nam

Trứng gà ác có kích thước nhỏ nhưng giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: Hà Nam

Về kế hoạch sắp tới, Nhân cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác và phân phối, hướng tới xây dựng thương hiệu gà ác sạch mang đặc trưng vùng Quảng Nam.

“Tôi từng nghĩ căn bệnh tai biến đã khép lại mọi cánh cửa. Nhưng nếu còn ý chí và hành động, cuộc đời vẫn có lối đi khác. Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ, nhưng tôi tin những gì xuất phát từ tâm sẽ bền vững”, chị trải lòng.

Hà Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-viec-luong-cao-nu-thac-si-ve-que-sam-may-lanh-mo-nhac-phuc-vu-ga-2394310.html